Tăng cường lãnh đạo thực hiện tốt Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024
Chỉ thị số nêu rõ, ngày 5/2/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 279/QĐ-BCT về ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 của Bộ Công Thương.
Kể từ khi ban hành Quyết định, nhìn chung, lãnh đạo và cấp ủy của các đơn vị trực thuộc luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bám sát các nội dung đã đề ra theo kế hoạch. Nhận thức của đảng viên, công chức, người lao động về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng lên, đồng thời xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là biện pháp quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện kiểm tra theo Kế hoạch của Bộ Công Thương trong năm 2023 cho thấy một số đơn vị còn chậm trễ trong việc ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, việc triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn thiếu sót, hạn chế, đặc biệt trong việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác trong quá trình thực hiện tại các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...
Thực hiện Nghị quyết số 154-NQ/BCSĐ ngày 19/4/2024 của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ thị một số nhiệm vụ.
Theo đó tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt việc phổ biến các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 134/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Cơ quan, đơn vị nào thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó bị xem xét xử lý trách nhiệm; nghiêm cấm việc bao che, ngăn chặn phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị và lĩnh vực quản lý.
Căn cứ kết quả thực tế năm 2023, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức phải chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024, tập trung vào các nội dung còn hạn chế, cần khắc phục; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện.
Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu thường xuyên phổ biến, tuyên truyền; tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Chú trọng về nội dung và đa dạng về hình thức tuyên truyền đảm bảo thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị. Tránh tình trạng có xây dựng kế hoạch nhưng không triển khai thực hiện hoặc có triển khai nhưng “qua loa”, “đại khái”, không thiết thực, hiệu quả.
Cùng đó nghiên cứu kỹ và phổ biến các quy định về kê khai tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn để tránh trường hợp kê khai không đúng, không đầy đủ. Tăng cường hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước để ngăn chặn sự cấu kết giữa cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước thoái hoá, biến chất với đối tượng hoạt động ở khu vực bên ngoài Nhà nước; gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
“Hằng năm, phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào một số lĩnh vực: Công tác cán bộ, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đầu tư công, kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”, Chỉ thị số 09/CT-BCT viết.
Bên cạnh đó Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị: Quy định số 131-QĐ/TW và Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023; Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023; Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021...
Chỉ đạo thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thể chế hóa tại Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đưa nội dung kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào chương trình kiểm tra, giám sát của cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Phát huy tốt hơn nữa vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông; tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định”, Chỉ thị số 09/CT-BCT nêu rõ.
Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc chậm tổ chức việc thực hiện Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Chỉ thị số số 09/CT-BCT nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Thanh tra Bộ là đơn vị đầu mối của Bộ Công Thương trong thực hiện Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện.