Tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá xăng dầu
Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, giá xăng tăng cao tác động đến tình hình trong nước, nguy cơ lạm phát thì Quốc hội và Chính phủ cần sớm xem xét sử dụng các công cụ thuế để giảm giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát càng sớm càng tốt.
Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đang đi theo giá thế giới. Ngày 23/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Đây là kỳ tăng giá thứ ba liên tiếp kể từ cuối tháng 4. Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, 3 lần giảm.
Mặc dù từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu được cho là không đáng kể. Trước thực thế này, đại biểu Trần Hoàng Ngân lo ngại, việc giá xăng ngày một tăng cao sẽ khiến giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng và đối mặt với nỗi lo lạm phát.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV |
Ông Ngân nhắc lại “bài học chúng ta nhìn thấy trong giai đoạn năm 2008, lúc đó biến động giá xăng dầu lên tới 141 USD/thùng. Cùng với đó, giá lương thực thực phẩm tăng làm lạm phát tăng rất nhanh. Có thời điểm lạm phát tại Việt Nam tăng tới 23%. Lúc đó tất cả các chi phí giá cả, hàng hóa và đời sống của người dân vô cùng khó khăn”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích, lạm phát của chúng ta hiện vẫn đang kiểm soát tốt nhưng vẫn có thể lên cao. Hiện nay tại Mỹ, lạm phát đã lên tới 8,5% (cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu), lạm phát tại châu Âu cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. Do vậy, chúng ta phải sử dụng các công cụ nếu không giá xăng dầu điều chỉnh tăng sẽ tác động đến giá hàng hóa. Khi đó rất khó kiểm soát, kiềm chế lạm phát.
"Để giảm được giá xăng dầu thì phải trình giải pháp để giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu giảm nên chúng ta cần công cụ thuế để kiểm soát giá", đại biểu Ngân cho hay.
Bên cạnh xăng dầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng cần kiểm soát, tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng để "té nước theo mưa", tăng giá các mặt hàng bất hợp lý để trục lợi.
Mặt khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nhận định, giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động đến đời sống người dân. Đời sống người dân đã vô cùng khó khăn do 2 năm Covid-19 mà nay gặp "bão giá" thì càng gặp khó. Trong khi đó chi phí doanh nghiệp như vận chuyển, lưu thông hàng hóa cũng tăng.
Tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá xăng dầu
Cũng bên kề kỳ họp, Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh nêu quan điểm, cần có giải pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu, đồng thời phải tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng để kinh doanh, tăng giá xăng dầu.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh |
Cụ thể, đại biểu Thúy cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu khi thời điểm kỳ họp bất thường diễn ra vào cuối năm 2021 đã được cân nhắc trong tất cả các loại thuế để giảm xuống dưới mức hiện tại. Tuy nhiên, giá xăng dầu lại tiếp tục tăng và tăng vượt ngưỡng 30.000 đồng, như vậy rất khó khăn.
Về việc giá xăng dầu tiếp tục tăng, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy nhận định, sẽ có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là vấn đề lạm phát. “Chúng ta có kiềm chế được lạm phát dưới mức 4% hay không, với mức xăng dầu tiếp tục tăng như hiện nay?”, đại biểu Đoàn Tây Ninh bày tỏ lo ngại và cho rằng vấn đề này sẽ “nóng” nghị trường Quốc hội để bàn bạc thêm.
Tuy nhiên, theo đại biểu Thúy, sẽ khó để hạ nhiệt giá xăng dầu, bởi còn phụ thuộc vào cơ chế thị trường.
Cho ý kiến về vấn đề giá xăng dầu vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, có những ngành hàng, mặt hàng chịu áp lực đẩy của giá xăng dầu, nhưng cũng có mặt hàng tăng giá kiểu “té nước theo mưa”, đại biểu Thúy cho hay, cùng với việc có giải pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu thì cần phải tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng để kinh doanh, tăng giá xăng dầu.
Về vai trò điều hành, điều tiết của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong việc bình ổn giá hiện nay, đại biểu Thúy cho biết, nguyện vọng, mong muốn của cử tri là làm sao hạ nhiệt giá xăng dầu.
Các bộ, ngành liên quan đã rất nỗ lực và cố gắng tìm mọi cách để khắc phục tình trạng tăng giá xăng dầu. Bởi, nếu không cố gắng hạ nhiệt giá xăng dầu thì chúng ta sẽ phải xử lý hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến lạm phát, bội chi ngân sách, giá cả và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.