Tìm giải pháp cung ứng hàng hóa thiết yếu và hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh chóng ở các tỉnh, thành phố. Đại dịch đã tác động, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu…
Do vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khâu lưu thông, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đưa ra 04 đề xuất, cụ thể:
Một là, duy trì đội ngũ giao hàng (shipper), để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.
Hai là, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính tham gia sâu hơn vào khâu lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là trong việc ưu tiên, tạo “luồng xanh” cho lưu thông hàng hóa thiết yếu.
Ba là, đề xuất phối hợp cùng hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Bốn là, đề xuất phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền để có những chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, chính xác và kịp thời.
Bộ Công Thương và Bộ Thông tin & Truyền thông tìm giải pháp cung ứng hàng hóa thiết yếu và hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan của Bộ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đảm bảo việc cung ứng hàng hóa nhất là hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu của người dân và đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Đối với việc tạo “luồng xanh” ưu tiên cho lưu thông hàng hóa thiết yếu, Thứ trưởng cho hay, ngay từ làn sóng Covid-19 lần thứ tư xuất hiện, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản nhằm tháo gỡ cho khâu lưu thông. Không chỉ Bộ Công Thương, mới đây, Bộ Y tế, Bộ Giao thông cũng liên tiếp ra văn bản, chỉ đạo tạo luồng ưu tiên cho xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Gần đây nhất ngày 8/7, Bộ Công Thương cũng ra văn bản, đề nghị tạo luồng “ưu tiên đặc biệt” cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ chống dịch…
“Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, tại một số địa phương, việc áp dụng Chỉ thị 16 vẫn chưa thống nhất, chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉnh phủ, chưa đúng với nội dung tinh thần của Chỉ thị. Trong ngày hôm nay, Bộ Công Thương sẽ có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục "hàng hóa cấm lưu thông" thay vì Danh mục "hàng hóa thiết yếu”, - Thứ trưởng nhất mạnh.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Bộ Công Thương nhất trí cao với đề xuất duy trì đội ngũ giao hàng (shipper). Tuy nhiên, để duy trì đội ngũ này, cần sự chung tay của các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc thống kê nhân lực giao hàng của từng đơn vị, từ đó, tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho đội ngũ này, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao hiệu quả hoạt động của VnPost (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam), Viettel post (Tổng Công ty Bưu chính Viettel post) trong việc triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá, vận chuyển hàng hóa... tại các địa phương có dịch. Ngay từ đầu, hai đơn vị này đã vào cuộc và nhanh chóng đưa các chuyến xe lưu động vào tâm dịch, nhờ thế, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân cũng bớt căng thẳng hơn.
Liên quan đến đề xuất “phối hợp cùng hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”, Thứ trưởng cho rằng, việc tăng cường mua - bán hàng trực tuyến là giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh dịch bệnh, góp phẩn đảm bảo nguồn cung hàng hóa. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số làm đầu mối, phối hợp với các Cục/Vụ chức năng làm việc với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông để thống nhất các phương án cung ứng hàng hóa cho các địa phương vùng dịch, hỗ trợ các hộ nông dân phân phối hàng hóa lên sàn thương mại điện tử. Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ ngành, địa phương khác nhằm thúc đẩy việc này.
Bổ sung thêm ý kiến về đề xuất này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, các sàn thương mại điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sự phối hợp rất tích cực với Bộ Công Thương trong việc đưa các sản phẩm nông sản của các địa phương lên sàn và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, việc tổ chức hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hỗ trợ các hộ nông dân tổ chức phân phối nông sản, hàng hoá đặc sản địa phương trên thương mại điện tử là một quá trình liên quan tới các nội dung, phạm vi như nguồn cung hàng hóa các địa phương, quản lý chất lượng hàng hoá, phương án logistic cho hàng hóa trên thương mại điện tử… Bên cạnh đó, việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử cần sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan.
Từ những ý kiến trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị của Bộ và Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất phương án hỗ trợ các hộ nông dân tổ chức phân phối nông sản, đặc sản địa phương trên các sàn thương mại điện tử cũng như từng bước tổ chức các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng với đó, phải phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tạo “luồng xanh” để các sàn thương mại điện tử cũng được đưa hàng hóa ngay vào tâm dịch, các địa phương đang triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với việc phối hợp trong công tác thông tin truyền thông, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, đây là một nội dung hết sức quan trọng và cần thiết. Thứ trưởng cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông xác định, thời điểm hiện tại là tình huống “không bình thường”, nên việc một vài nơi xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ, một số mặt hàng có thể tăng giá so với thời điểm bình thường là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, đề nghị, các cơ quan báo chí, truyền thông chia sẻ với Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương... để phản ánh tình hình khách quan, tổng thể, đa chiều, thay vì chỉ phản ánh những hiện tượng cá biệt, khía cạnh hạn chế,... có thể gây tâm lý không tốt đến người dân trong vùng dịch.
Nhất trí với những giải pháp từ phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cam kết, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương với nỗ lực cao nhất để triển khai hiệu quả các giải pháp vừa nêu.
Riêng về công tác thông tin báo chí, tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt về thông tin tuyên truyền trong dịch bệnh, để thông tin được lan tỏa, phổ biến sâu rộng hơn đến các địa phương, tới từng xã, phường, thôn bản trên mọi miền, nhằm tạo được sự đồng thuận của người dân, cùng cả nước vượt qua đại dịch.