Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Theo kế hoạch, ngày 7/11, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại Hội trường để tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Trước đó, trong ngày 6/11, Quốc hội đã thực hiện phiên chất vấn đầu tiên trong kỳ họp thứ 6 với các thành viên Chính phủ và các Trưởng ngành. Đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực.
Phạm vi nội dung chất vấn rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực, gồm những vấn đề lớn, quan trọng, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, được Nhân dân và cử tri hết sức quan tâm. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chất vấn, vừa bảo đảm tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, thuận lợi cho cả đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp nội dung chất vấn thành 04 nhóm lĩnh vực, cụ thể là:
Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp: gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng;
Nhóm lĩnh vực kinh tế ngành: gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường;
Nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp: gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán;
Nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội: gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày các Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra.
Trong phiên chất vấn sáng 6/11 về các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã tham gia trả lời câu hỏi của các ĐBQH.
Tại phiên chất vấn, đã có 22 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 07 đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung sau:
Về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: về quản lý, sử dụng vốn ODA; nguồn vốn ngân sách nhà nước thường xuyên và chi đầu tư; vấn đề tiết kiệm trong đầu tư công; tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật Đầu tư công; vướng mắc trong công tác quy hoạch; việc khai thác, sử dụng đất hiếm; cơ chế đặc thù trong hỗ trợ một số đối tượng chính sách trong đầu tư công.
Về lĩnh vực tài chính: nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng chậm cũng như nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 về việc đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực trạng, nguyên nhân xảy ra tình trạng xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chậm, nhiều trụ sở hành chính còn bỏ trống trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc; một số vướng mắc trong quản lý tài sản công; việc bố trí kinh phí cho phong trào Đoàn, Đội; vấn đề bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới; tình trạng bán hàng không có hóa đơn tài chính gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước; vấn đề triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chính sách cho vay đối với hộ nghèo ở vùng khó khăn.
Về lĩnh vực ngân hàng: khó khăn, vướng mắc và giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới; giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt; nguyên nhân và các giải pháp để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14% như đã đề ra; lộ trình thực hiện nhiệm vụ điều hành tín dụng theo yêu cầu tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; nguyên nhân và giải pháp đối với tình trạng tín dụng đen; những khó khăn và giải pháp đối với việc huy động nguồn vốn tín dụng; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; chính sách tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến chiều 6/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn đối với các lĩnh vực: công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham gia trả lời chất vấn.
Tại phiên chất vấn, đã có 20 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 7 đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung sau:
Về lĩnh vực công thương: việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: việc chậm trễ trong thanh toán tiền nhân công giao khoán bảo vệ rừng; vấn đề di dân để phục vụ phòng, chống thiên tai, tái định cư; việc tổ chức thực hiện chương trình nước sạch nông thôn.
Về lĩnh vực giao thông vận tải: trách nhiệm trong việc trình, triển khai các dự án giao thông; quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc; phân kỳ đầu tư đối với các dự án đường cao tốc; việc xây dựng trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc; phân cấp, phân quyền đấu nối các công trình thiết yếu trên các tuyến quốc lộ; việc huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng giao thông vận tải hàng không; nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của Bộ Giao thông vận tải đối với vấn đề tai nạn giao thông; việc triển khai đầu tư một số tuyến đường sắt; việc tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư đối tác công tư trong lĩnh vực giao thông; vấn đề chất lượng các công trình giao thông; giải pháp tháo gỡ đối với các dự án BOT.
Về lĩnh vực xây dựng: giải pháp chỉnh trang, cải thiện môi trường đô thị.
Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường: cơ chế, chính sách phù hợp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; việc phát triển thị trường tín chỉ các bon ở Việt Nam; nguyên nhân và các giải pháp phòng, chống lũ quét, sạt lở; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; giải pháp đối với tình trạng ô nhiễm nước sông Cầu.