Tổng hợp các lễ hội đặc sắc nhất diễn ra tại Hà Nội
Lễ hội đền Cổ Loa
Lễ hội đền Cổ Loa Hà Nội đã có nguồn gốc từ lâu đời và là một trong những lễ hội truyền thống của người dân Việt Nam. Vào những năm 208 – 179 TCN, vua An Dương Vương đã thành lập ra nhà nước Âu Lạc, sau đó chuyển kinh đô từ Phong Châu về thành Cổ Loa để xây thành, đắp lũy chống giặc. Tương truyền rằng, nhà vua nhập cung vào ngày mồng 6 tháng Giêng, đến ngày mồng 9 đăng quang và tổ chức tiệc chiêu đãi toàn bộ binh sĩ.
Sau này, khi vua mất, người dân làng Cổ Loa đã lập đền Cổ Loa hay còn gọi là đền thờ vua An Dương Vương để tưởng nhớ công ơn to lớn của nhà vua. Đồng thời, người dân tại đây cũng lấy ngày mồng 6 tháng Giêng để tổ chức lễ hội và duy trì cho đến tận ngày nay.
Thuộc danh sách các lễ hội đặc sắc ở Hà Nội, Lễ hội Cổ Loa nhằm mục đích tưởng nhớ An Dương Vương Thục Phán – vị anh hùng thời xưa đối với đất nước ta. Thành Cổ Loa đã chứng kiến một câu chuyện buồn khi đất nước rơi vào tay giặc nhưng đối với người Việt Nam thì đây luôn là di tích lịch sử đáng tự hào. Ngoài tưởng nhớ vị vua vĩ đại, lễ hội đền Cổ Loa còn nhắc nhở người dân về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp từ bao đời của dân tộc.
Lễ hội đền Cổ Loa được chia thành phần lễ và phần hội. Về phần lễ, người dân làm lễ tưởng niệm bị anh hùng An Dương Vương. Tiếp đó là phần hội, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như đốt pháo hoa, hát ca trù, hát tuồng. Ngoài ra còn rất nhiều hoạt động thú vị như đánh đu, đấu vật, kéo co, thổi cơm thi, lễ chùa đầu năm,…
-
Địa điểm: Làng Cổ Loa, Huyện Đông Anh, Hà Nội
-
Thời gian diễn ra: từ mùng 6 đến ngày 16 tháng giêng âm lịch
Lễ hội đền Cổ Loa |
Lễ hội Cổ Loa Đông Anh Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam qua các thế hệ. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao to lớn của nhà vua An Dương Vương mà còn là cơ hội để phát huy các giá trị văn hóa dân gian thông qua các nghi lễ, trang phục, âm nhạc, múa rối cùng các trò chơi dân gian.
Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để nhân dân vùng Cổ Loa nói riêng và cả nước nói chung thể hiện tinh thần đoàn kết, uống nước nhớ nguồn. Đồng thời, lễ hội Đền Cổ Loa cũng góp phần giáo dục về lịch sử, truyền thống và nguồn gốc của đất nước.
Đây là cơ hội để giới trẻ hiểu hơn về những công lao to lớn của thế hệ cha ông đi trước, từ đó ngày càng trân trọng và phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước của dân tộc. Với những ý nghĩa và giá trị to lớn đó, ngày 3/2/2021, lễ hội Cổ Loa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội đền Cổ Loa |
Lễ hội Đống Đa
Lễ hội Đống Đa hay còn gọi là hội gò Đống Đa được mở ra để kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, tưởng nhớ chiến thắng lẫy lừng được vị vua Quang Trung – Nguyễn Huệ chỉ huy. Đây là một trong những lễ hội lớn của Hà Nội đã có từ hơn 200 năm trước, tổ chức với quy mô thành phố. Lễ hội diễn ra thường niên vào dịp Tết Nguyên Đán tại phường Quang Trung, Đống Đa nên gần nhiều khách sạn Hà Nội thuận lợi trong việc di chuyển của bạn.
Đến với lễ hội Đống Đa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một đám rước hoành tráng với nhiều sắc màu rực rỡ kéo dài từ đình làng Khương Thượng ra đến gò Đống Đa. Ngoài ra còn rất nhiều các trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ thú vị. Hằng năm đến dự lễ hội Đống Đa là sự hiện diện của các vị lãnh đạo cấp cao cho Đảng và Nhà nước ta.
-
Địa điểm: Gò Đống Đa, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội.
-
Thời gian diễn ra: ngày mùng 5 tết Nguyên Đán
Hội gò Đống Đa tại Hà Nội
Lễ hội Đống Đa Tây Sơn là dịp tỏ bày lòng biết ơn, tưởng nhớ công lao của vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung Nguyễn Huệ cùng hai người anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và các văn thần, võ tướng dũng cảm đẩy lùi 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, thu non sông về một mối cách đây hơn 231 năm.
Năm 1788, nhân dân trong cả nước đã tổ chức hàng loạt cuộc khởi nghĩa. Vua Lê Chiêu Thống lúc bấy giờ đã sang cầu viện nhà Thanh. Vua nhà Thanh là Càn Long bấy giờ đã nhanh chóng cho quân sang với mục đích xâm lược nước ta.
Lúc này, Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị dẫn theo 29 vạn binh lính, chia làm 4 mũi tấn công vào Thăng Long. Chiếm được Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị tuyên bố sẽ kéo quân thẳng đánh sào huyệt Tây Sơn vào đúng ngày mồng Sáu tết.
Ngày 22 tháng 12 năm 1788, tức ngày 25/11 Âm lịch, anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã lên ngôi vua, lấy hiệu Quang Trung, dẫn đầu đại binh tiến thẳng ra Bắc đánh trả quân thù.
Vào đêm mồng Bốn, rạng ráng mồng Năm tết Kỷ Dậu, tức ngày 29, 30 tháng 2 năm 1789, quân Tây Sơn đã uy dũng tiến vào Thăng Long, đánh tan đồn trại giặc đóng tại Khương Thượng. Lúc này, tướng nhà Thanh Sầm Nghi Đống tự vẫn trên núi Ốc.
Hội chùa Hương
Lễ hội chùa Hương là một lễ hội ngày Tết lớn ở Việt Nam được tổ chức mỗi năm và thu hút rất nhiều Phật tử từ Nam ra Bắc đến tham quan và hành hương. Lễ được diễn ra tại khu danh thắng chùa Hương (hay còn gọi là Hương Sơn) thuộc Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thủ đô Hà Nội. Nơi đây được ví như một khu phức hợp giữa tôn giáo và văn hóa bao gồm những ngôi chùa Phật giáo, những ngôi đền thờ các thần long nhãn và tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm của nơi đây là chùa Hương trong động Hương Tích, hay còn được gọi với cái tên khác là chùa Trong.
Lễ hội chùa Hương diễn ra trong khoảng thời gian dài từ tháng 1 đến tháng 3 m lịch. Khai hội chính thức bắt đầu lễ hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, ngày mở cửa rừng của người dân. Lễ hội kéo dài trong 3 tháng, nhưng thời điểm được nhiều du khách khắp đất nước đến tham quan chính là vào những ngày từ rằm tháng Giêng đến 18 tháng Chạp m lịch. Ngoài ra, mùng 5 cũng là một trong những ngày thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan (có khoảng hơn 4 vạn du khách từ mọi miền trên đất nước đến tham quan).
-
Địa điểm: xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
-
Thời gian diễn ra: từ mùng 6 tháng giêng, kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch
Lễ hội chùa Hương |
Nói đến nguồn gốc chùa Hương là nói đến mối quan hệ gắn kết giữa chùa Hương với tín ngưỡng dân gian thờ bà Chúa Ba. Trong truyền thuyết, vào thế kỷ đầu tiên ở vùng đất này có công chúa Diệu Thiện - tục gọi là chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm tu hành 9 năm đắc đạo trở thành Phật đi cứu độ chúng sinh. Ngày đó cũng được xem là ngày Phật Đản (được xác định là ngày 19 tháng 2 âm lịch), đây cũng là thời điểm mùa xuân vừa đến, trăm hoa đua nở.
Đến tháng 3 năm 1770 (năm Canh Dần), Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đã có chuyến tuần du cùng quân dưới trướng đến Trấn Sơn Nam. Chúa đã vào động Hương Tích để thắp hương, vãn cảnh và Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm có đề lên trên vách đá trước cửa động Hương Tích năm chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động”. Đây là nơi linh địa, lại được Chúa ca ngợi nên trở thành đắc địa hơn, trở thành chỗ dựa tinh thần của nhiều người dân để mong cầu an bình và mọi điều được suôn sẻ, tốt lành.
Ngoài ra, Chúa Trịnh Sâm cũng là một trong những người góp phần đưa vị thế động Hương Tích trở thành một di tích lớn, đặt nền móng cho sự phát triển lễ hội chùa Hương về sau. Từ đó hàng năm du khách đến tham quan lễ hội ngày một đông hơn. Nhưng cho đến năm 1896 niên hiệu Thành thái năm thứ 8, lễ hội chùa Hương mới chính thức mở hội lớn sau ngày lễ hội khai sơn của làng Yến Vỹ (mùng 6 tháng Giêng).
Không chỉ được biết đến như một lễ hội du xuân thông thường của vùng đất “linh sơn phúc đại”, mà lễ hội chùa Hương còn mang đậm nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của Bắc Bộ. Phần hội là nét giao thoa giữa văn hóa dân tộc độc đáo với vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân vốn có. Phần nghi lễ thể hiện đậm nét tín ngưỡng thờ cúng của một tổng thể tôn giáo Việt Nam (bao gồm cả Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo). Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên mà còn cảm nhận được nét đẹp đoàn kết của dân tộc giữa con người ở mọi chốn Việt Nam hội tụ.
Lễ hội chùa Hương còn tượng trưng cho sự dung hòa giữa thực và mơ, tiên và tục. Hiện thực là nền tảng, mơ được xem là uất vọng trong không khí mùa xuân tươi mát, ấm áp mà con người Việt Nam nhân ái, chất phác đã cảm nhận và trao truyền từ thuở xa xưa.
Lễ hội chùa Thầy
Chùa Thầy hay còn gọi là Thiên Phúc Tự là điểm tham quan tại Hà Nội, nằm tựa đầu vào núi Phật Tích. Nơi đây không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2014, mà còn là “Địa chỉ đỏ” trong các cuộc kháng chiến. Chùa Thầy là di tích kiến trúc mang lối độc đáo với nghệ thuật chạm khắc và hệ thống tượng pháp tiêu biểu.
Chùa là một quần thể di tích và danh thắng với nhiều điểm tham quan thu hút khách du lịch. Ba tòa Tiền đường - Điện Phật - Điện Thánh được xếp hình chữ Tam nhìn từ ngoài vào tạo nên sự đồ sộ với rất nhiều cột kèo, trụ...Chùa còn có sự liên kết chặt chẽ với quần thể hang động tạo nên sự phong phú về loại hình trong các dịp lễ hội.
Lễ hội Chùa Thầy được tổ chức ngay tại chùa Thầy - là một ngôi chùa tựa vào chân núi Phật Tích, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Lễ hội chùa Thầy là một lễ hội lớn diễn từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 7 tháng 3 Âm lịch hằng năm. Lễ hội này thu hút sự tham gia của nhiều người dân đến khám phá về những nét văn hóa vùng miền.
-
Địa điểm: xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội
-
Thời gian diễn ra: từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3 âm lịch hàng năm
Lễ hội Chùa Thầy
Chùa Thầy là nơi thờ pháp sư Từ Ðạo Hạnh với 3 kiếp sống của ông. Ông là Tăng, là Phật, là Vua và được nhân dân coi là ông tổ nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.
Đối với người dân xung quanh xứ Đoài từ già đến trẻ đều biết về sự tích li kì của thiền sư Từ Đạo Hạnh có công chữa bệnh và dạy học cho dân làng. Ngài dạy về văn hóa, đá cầu, đánh vật, múa rối nước… từ đó nhân dân cảm phục cho tài năng và đức độ của thầy. Người dân đến hội chùa Thầy với nhiều mục đích khác nhau: người cầu tình duyên, người cầu may mắn, tiền tài và có những người đến để thưởng ngoạn cảnh vật nơi đây.
Lễ hội Làng Bát Tràng
Bát tràng là một ngôi làng cổ bên bờ Bắc của sông Hồng. Nhắc đến những làng nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam không thể không nhắc đến làng gốm Bát Tràng - Một trong những điểm tham quan tại Hà Nội. Nơi đây lưu giữ những nét văn hóa truyền đời của Hà Nội và còn là địa nơi cung cấp đồ sứ gớm nhất Việt Nam. Trải qua bao thời kỳ thăng trầm, làng gốm Bát Tràng ngày nay được xem là một địa điểm du lịch nổi tiếng và có sức hút đối với dâng trong nghề gốm và dân tay ngang. Lễ hội Làng nghề Bát Tràng được tổ chức nhằm tôn vinh nghề truyền thống và thể hiện ước vọng của người dân về một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Lễ hội làng Bát Tràng được tổ chức vào ngày 14 đến 15 tháng hai m lịch. Mùa xuân là thời gian mát mẻ người dân trong làng rạo rực tổ chức lễ hội để lưu giữ những giá trị cổ truyền qua từng năm.
Lễ hội được tổ chức tại Đình Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đình Bát Tràng là nơi thờ 6 vị thần có công trong việc giúp dân giữ nước, gồm: Bạch Mã Đại Vương, Phan Đại Tướng, Tràng Thuận Nghi Dung, Cai Minh Đại Vương, Lưu Thiên Tử Đại Vương, Hồ Quốc Thần Đại Vương.
Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng là nơi lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam kết tinh trong từng sản phẩm gốm nói riêng và mỹ nghệ nói chung. Đây cũng là dịp để thế hệ sau này thể hiện sự tự hào và tưởng nhớ các bậc tổ nghiệp đã truyền dạy cách để tạo ra các sản phẩm thực sự tinh xảo mang tầm hồn người Việt. Qua đó người dân cũng thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, gửi gắm khát vọng về cuộc sống luôn được hạnh phúc, no ấm.
-
Địa điểm: Đình Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
-
Thời gian diễn ra: từ ngày 14 đến hết ngày 16/2 âm lịch hằng năm
Lễ hội làng Bát Tràng |
Lễ hội Đền Gióng Sóc Sơn
Lễ hội Thánh Gióng bắt đầu được tổ chức từ thế kỷ 11 vào thời vua Lý Thái Tổ. Từ đó, vào thời nhà Lý đến thời nhà Lê và các vương triều sau này, hội Gióng đều được tổ chức trọng thể hàng năm. Khi vua Lý Công Uẩn cho xây dựng đền thờ Phù Đổng Thiên Vương, quy mô hội Gióng càng được chú trọng và khắc ghi trong tâm thức người Việt qua bao đời.
Hội Gióng không đơn thuần là lễ hội truyền thống mà còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Lễ hội tái hiện sinh động trận đấu hùng tráng giữa Thánh Gióng và giặc Ân, đồng thời tôn vinh lòng dũng cảm và ý chí kiên định của nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến giữ nước. Thông qua lễ hội, người dân cũng thể hiện lòng biết ơn theo đạo lý uống nước nhớ nguồn và nâng cao nhận thức về tinh thần bảo vệ Tổ quốc.
Trong truyện cổ dân gian Việt nam, chân núi Sóc là nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi bay về trời. Tại đây, người dân đã xây dựng đền thờ và tổ chức lễ hội hàng năm từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng Âm lịch. Hội Gióng diễn ra tại đền Sóc (đền Thượng) thuộc khu di tích đền Sóc, thôn Vệ Linh, X. Phù Linh, H. Sóc Sơn, TP. Hà Nội.
Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi lễ truyền thống như: lễ mộc dục (tắm tượng), lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi, hóa ngựa Gióng, tục chém tướng… Vào ngày chính hội, người dân các thôn làng quanh khu di tích đến đền dâng lễ vật lên Đức Thánh và nguyện cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài các nghi lễ truyền thống, hội Gióng còn có các trò chơi dân gian sôi nổi, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách.
-
Địa điểm: xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội
-
Thời gian diễn ra: từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 1 âm lịch
Lễ hội Đền Gióng Sóc Sơn
Lễ hội đền Hai Bà Trưng – Mê Linh
Đền Hai Bà Trưng - Di tích Quốc gia đặc biệt thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội với lịch sử lâu đời là niềm tự hào của người dân nơi đây; Đây còn là địa điểm thăm quan du lịch tâm linh hấp dẫn đối với du khách trên mọi miền đất nước.
Đền thờ hai vị Anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị - đã cùng các tướng lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán giành lại nền độc lập dân tộc.
Theo chính sử, Hai Bà Trưng quê ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội). Cha là quan Lạc tướng huyện Mê Linh nhưng mất sớm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đoan (tên tục gọi là bà Man Thiện).
Tương truyền, làng quê có nghề trồng dâu nuôi tằm, Hai Bà Trưng là hai chị em sinh đôi, Bà chị có tên là Trưng Trắc, em gái có tên Trưng Nhị. Từ nhỏ, Hai Bà được mẹ mời thầy giỏi trực tiếp dạy học nên khi lớn lên đều văn võ song toàn, có lòng thương dân và ý chí khởi nghĩa quật cường. Năm mười chín tuổi, bà Trưng Trắc kết hôn với ông Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên (vùng Sơn Tây ngày nay) cũng là người có ý chí quyết tâm chống giặc Hán đô hộ.
Sau khi Hai Bà mất, nhân dân trong nước tôn kính lập đền thờ Hai Bà và các tướng lĩnh giỏi ở khắp mọi nơi. Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội có ý nghĩa quan trọng nhất bởi đây là nơi lưu lại dấu tích của Hai Bà Trưng thời thơ ấu, trưởng thành, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô. (Ảnh: Hậu cung điện thờ Hai Bà Trưng).
Ngày nay, đền thờ Hai Bà Trưng được lưu giữ và tôn tạo trang hoàng với nhiều hạng mục: Cổng đền, nhà khách, nghi môn ngoại, nghi môn nội, gác trống, gác chuông, nhà tả - hữu mạc, tam tòa chính điện thờ Hai Bà Trưng, đền thờ thân phụ - thân mẫu Hai Bà và Sư phụ, Sư mẫu của Hai Bà, đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách và Ông Thi Sách, đền thờ các nữ tướng triều Hai Bà Trưng, đền thờ các nam tướng triều Hai Bà Trưng, nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh, hồ bán nguyệt, hồ mắt voi, suối vòi voi, hồ tắm voi, thành cổ Mê Linh… trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn quan trọng của huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội và du khách thập phương.
-
Địa điểm: thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội
-
Thời gian diễn ra: ngày mùng 6 tháng Giêng
Đền Hai Bà Trưng – Mê Linh |
Lễ hội Võng La
Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, Hà Nội lại thu hút đông đảo khách đến tham quan, du lịch nhờ vào những nét văn hóa đặc sắc và những lễ hội lớn. Trong đó có lễ hội Võng La được người dân và du khách đến tham gia vì có nhiều lễ nghi cũng như tục lệ đặc sắc.
Theo truyền thuyết xưa, vào thời vua Hùng thứ 18, Quốc Tế Đại nhân cùng với phu nhân của mình là Lã Nương được giao nhiệm vụ trông coi kho bạc và kho lương thực tại xã Võng La. Một hôm, phu nhân Lã Nương nằm mộng thấy 3 con rắn trắng từ sông bò lên người. Sau đó, bà thụ thai và sinh ra 3 người con trai thông minh, tài trí, văn võ song toàn và có sức khỏe hơn người. Ba người con ấy lần lượt là Linh Khổn Đại Vương, Minh Chiêu Đại Vương và Cung Nhục Đại Vương. Khi quân Thục Phán xâm chiếm đất nước, cả 3 anh em được phong làm tướng quân và chỉ huy 2 đội quân thủy, bộ tiến đánh quân Thục.
Nhờ vào sự thông minh, tài trí nên chỉ trong thời gian ngắn các tướng quân đã đánh bại quân Thục Phán. Sau đó, trên đường về diện kiến vua, cả 3 anh em không bệnh mà mất. Nhà vua thương tiếc nên đã truyền cho dân làng lập đền thờ phụng và sắc phong cho cả 3 anh em là Đệ Nhất Linh Tố Đại Vương, Đệ Nhị Linh Tố Đại Vương và Đệ Tam Linh Tố Đại Vương. Còn thân phụ là Quốc Công Đại Vương và Lã Nương phu nhân Đại Vương. Từ đó đến nay, hằng năm dân làng Võng La vẫn làm lễ tưởng nhớ các vị Thành Hoàng có công giúp vua Hùng giữ nước.Lễ hội không chỉ để tỏ lòng biết ơn những người đã hy sinh vì quê hương đất nước trong suốt hành trình lịch sử rất dài, mà còn là động lực hun đúc thêm tình yêu quê hương.
Lễ hội Võng La được chia làm 2 kỳ hội: tháng Giêng và tháng 8 Âm lịch. Tháng Giêng lễ hội bắt đầu từ ngày 13 đến ngày 15, đây cũng là ngày hóa của 3 vị Đại Vương. Ngày 15 tháng Giêng Âm lịch là lễ tưởng nhớ ngày hóa của phụ thân và phụ mẫu 3 vị Đại Vương. Lễ hội được tổ chức rất trang nghiêm. Từ sáng ngày 13 tháng Giêng, các cụ ông trong đội tế lễ sẽ mặc trang phục truyền thống làm lễ bao sái, mộc dục tượng, đồ thờ cúng và lễ tế để mở cửa đình. Buổi chiều, đội tế lễ nam sẽ tiến hành lễ tế nhập tịch. Đội tế lễ nữ sẽ làm lễ dâng hương tế thánh.
Ngày 14 là ngày chính hội, lễ rước kiệu được bắt đầu từ sáng sớm. Đoàn rước đi đầu sẽ là đội múa sư tử. Tiếp theo là phường bát âm, đội mang cờ, đồ bát bảo, đội khiêng kiệu, đội tế nam, đội tế nữ và dân làng. Những người khiêng kiệu phải là thanh niên khỏe mạnh và chưa có gia đình. Buổi chiều là lễ dâng hương tế Thánh của đội tế nam và tế nữ. Tối là chương trình văn nghệ của xã Võng La với các xã khác.
Các hoạt động văn hoá luôn là sự thu hút du khách đến với các địa điểm du lịch Hà Nội trải nghiệm những lễ hội tại đây, đặc biệt phải kể đến lễ hội Võng La. Ngũ vị Tôn Thần được suy tôn trong lễ hội là: Quốc Công Đại Vương và Lã Nương phu nhân Đại Vương cùng ba người con là Linh Khổng (Đệ Nhất Linh Tố Đại Vương), Minh Chiêu (Đệ Nhị Linh Tố Đại Vương) và Cung Mục (Đệ Tam Linh Tố Đại Vương).
-
Địa điểm: đình Đại Độ, làng Đại Độ, xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội
-
Thời gian diễn ra: Từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng
Lễ hội Võng La |
Lễ hội làng Lệ Mật
Làng Lệ Mật là một thị trấn thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, tồn tại vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Năm 1961, xã Việt Hưng và các xã thị trấn khác thuộc huyện Gia Lâm được hợp nhất và sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Một phần của huyện Gia Lâm được tách ra để thành lập quận Long Biên, trong khi đô thị Việt Hưng được đổi tên thành phường Việt Hưng năm 2003. Lệ Mật là một làng cổ, xưa có tên là “Trù Mật”, sau đổi theo chúa Trịnh Chù đổi thành Lệ Mật như ngày nay.
Hiện nay, Lệ Mật thuộc địa phận xã Việt Hưng, quận Long Biên và cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 7 km về phía Đông Bắc.
Làng Lệ Mật được mệnh danh là làng rắn bởi trong làng có hàng trăm hộ nuôi rắn khác nhau và cũng có hàng chục nhà hàng chế biến đặc sản rắn. Bạn cũng có thể mua đặc sản rắn hay rượu rắn nổi tiếng cũng như tìm hiểu thêm về các hoạt động văn hóa nghệ thuật về rắn được cử hành trang trọng và long trọng ở đây.
Tương truyền, vào đời vua Lý Nhân Tông, thì cô công chúa yêu quý của vua đi thuyền qua sông Thiên Đức (nay là sông Đuống), một hôm bị đắm tàu chết đuối và không tìm thấy xác. Nhà vua rất đau lòng và ra lệnh rằng ai tìm thấy công chúa sẽ được thưởng rất lớn, nhưng không ai tìm thấy.
Ở Lệ Mật có chàng trai họ Hoàng đã dũng cảm chiến đấu với con thủy quái và cuối cùng đưa được xác công chúa lên bờ. Vua ban thưởng nhiều gấm vóc, vàng bạc nhưng từ chối thưởng phẩm, chỉ xin vua cho dân nghèo làng Lệ Mật và các làng xung quanh “di cư” đến vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long để làm trang trại. Được vua đồng ý, ông cùng người dân Lệ Mật vượt sông Nhị Hà (sông Hồng) khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long.
Giống với nhiều lễ hội khác, lễ hội làng Lệ Mật được chia thành phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ diễn ra lễ rước nước quanh giếng làng, rước cá chép vào đình, rước cỗ 13 trại từ Ba Đình về đình làng. Điểm đặc sắc của lễ hội đó là phần múa rắn nghệ thuật. Rắn được làm bằng nan tre lợp vải tượng trưng cho loài thuỷ quái sẽ bị hạ gục bằng ý chí và sức mạnh của người con họ Hoàng. Bên cạnh đó, rất nhiều du khách dành sự quan tâm đặc biệt với phần thi nấu ăn được nấu từ cá, ếch, rắn,… Lễ hội cũng là dịp để người dân, con cháu gặp gỡ nhau, bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên.
-
Địa điểm: Làng Lệ Mật, xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm, Hà Nội
-
Thời gian diễn ra: ngày 23/3 âm lịch
Lễ hội làng Lệ Mật |
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được biết đến là một lễ hội vô cùng đặc sắc để bạn khám phá, tìm hiểu thêm về nét văn hóa, truyền thống của người dân xung quanh núi Tản Viên (Ba Vì) cũng như khu vực lân cận. Lễ hội không chỉ có nhiều màu sắc, hoạt động ca múa, mà còn có nhiều trò chơi dân gian thú vị và hấp dẫn chờ du khách khám phá.
Tản Viên Sơn Thánh, hay còn được người đời biết đến dưới cái tên Sơn Tinh – Một vị thần trong truyền thuyết mà ắt hẳn bất kỳ người Việt Nam nào cũng biết “Sơn Tinh, Thủy Tinh”. Ông là vị thần cai quản núi Ba Vì (Tản Viên), cũng chính vì thế mà có tên là Tản Viên Sơn Thánh. Ông được xem là hàng đệ nhất trong 4 vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, bên cạnh Thánh Gióng, Chữ Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Thiên). Trong dân gian cũng có tương truyền rằng ông là một trong 50 người con của Âu Cơ theo mẹ lên núi. Tuy nhiên cũng có người cho ra, Sơn Tinh là người có thực, đến từ tầng lớp nghèo khổ, thấp kém trong dân chúng rồi hóa thần. Ông cũng là người giúp cho lãnh thổ nước Văn Lang lúc bấy giờ không bị Thủy Tinh nhấn chìm, “nước dâng đến đâu, núi dâng đến đó”.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thường được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm – Đây cũng là ngày sinh của Sơn Tinh. Tuy nhiên tùy theo tình hình từng năm mà huyện Ba Vì có thể thay đổi ngày tổ chức lễ hội, dời lên sơm hơn trước vài ngày. Trong những năm gần đây, lễ hội đã và đang từng bước khôi phục các nghi thức truyền thống để nâng tầm vị thế lễ hội văn hóa tâm linh vùng đất Ba Vì, cũng như nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng và du khách thập phương đến và trải nghiệm, tham quan. Trong nghi lễ rước liên vị cung nghinh Tản Viên Sơn Thánh (từ Đền Hạ) về đến Đền Lăng Sương thuộc tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, lễ rước kiệu, được trang bị các đồ lễ từ đền Lăng Sương về đền Hạ, đã được trùng tu sau nhiều năm tạm dừng. Ngoài ra, Ban tổ chức còn tập trung tổ chức lễ rước nước Sông Đà tại bến sông thôn Cốc Đồng Tâm, thị trấn Minh Quang (trước đền Hạ) để làm lễ mộc dục.
Lễ rước nước sẽ được diễn ra vào đúng 0 giờ đêm ngày 14 tháng Giêng. Nhân vật chính để thực hiện nghi lễ sẽ gồm một cặp thiện nam – thiện nữ tài sắc vẹn toàn, nhân thân tốt đã được qua tuyển chọn gắt gao từ trước. Đi theo tháp tùng sẽ là lãnh đạo địa phương, chủ nhang đền Hạ và quần chúng nhân dân hoặc khách du lịch bốn phương. Đoàn người sẽ được một chiếc thuyền đưa ra giữa dòng sông Đà trong đêm tối để lấy nước. Theo tục lệ dân gian xưa truyền lại rằng, người nam sẽ phải múc 7 gầu nước, người nữ sẽ múc 9 gầu như câu truyền miệng “nam 7 vía, nữ 9 vía”. Nước được đem từ giữa dòng sông dâng lên bao sái các đồ thờ tự tại đền Hạ. Sau nghi thức tế lễ tại đền Hạ kết thúc thì vào khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, lễ rước nước thiêng từ đền Hạ được dâng lên đền Trung bắt đầu khởi hành. Bên cạnh kiệu rước nước thiêng sẽ còn có kiệu lễ chay và kiệu lễ mặn gồm các lễ vật dâng cúng thần gồm lợn, gà, bánh chưng, bánh dày, hương hoa, oản, quả.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh |
Tiếng chiêng trống nổi sẽ từ từ nổi lên từ trong đền, sau đó lần lượt từng dòng người đi theo trong tiếng nhạc. Dẫn đầu sẽ là thanh niên trai tráng khênh kiệu, lọng, cờ hoa. Việc được khênh kiệu chẳng phải là một điều dễ dàng, ai cũng được chọn đâu nhé. Vì thế những người được chọn khênh kiệu trong đội rước sẽ là niềm vinh dự cho bản thân còn khiến gia đình “nở mày nở mặt”. Kế theo sẽ là các cụ bô lão trong làng và người dân, khách du lịch địa phương, ngoài nước. Đoàn rước cứ đi qua thôn nào, dân làng thôn đó lại nhập vào đoàn rước, cứ thế kéo dài tới vài cây số. Trống hội rền vang, lễ rước được tổ chức hoành tráng. Cả vùng trời không gian dưới chân núi Ba Vì tưng bừng không khí nhộn nhịp, rộn ràng lễ hội, cầu mong Đức Thánh Tản Viên phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt để nhân dân có cuộc sống ấm no.
-
Địa điểm: địa phận xã Minh Quang và xã Ba Vì, Ba Vì, Hà Nội
-
Thời gian diễn ra: Từ 13 đến 15 tháng Giêng.