Ở giai đoạn đầu, 77.000 tỷ lấy từ ngân sách Trung ương. Trong đó, số chi cho đầu tư phát triển là 50.000 tỷ và 27.000 tỷ vốn sự nghiệp. Vốn ngân sách địa phương dành cho chương trình khoảng 30.250 tỷ đồng với 18.000 tỷ chi cho đầu tư phát triển và 12.250 tỷ vốn sự nghiệp. Bộ Văn hóa cũng dự tính huy động xã hội hóa khoảng 15.000 tỷ đồng.
Chương trình gồm 7 mục tiêu tổng quát là: xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, thụ hưởng văn hóa của nhân dân; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển văn hóa.
Chương trình cũng hướng đến xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành về văn hóa; phát huy tính đại chúng, khoa học của văn hóa; nâng cao vị thế của đất nước và hội nhập quốc tế về văn hóa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra 9 mục tiêu đến năm 2030. Cụ thể: các cơ quan xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử về môi trường văn hóa; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa Thể thao đạt chuẩn. Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước. 80% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn. Hàng năm, ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật có sự tham gia của Việt Nam.
Bộ cũng đề ra 9 nhóm mục tiêu đến năm 2035. Đó là 90% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã. 100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Ngành công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%. Thư viện số quốc gia được hoàn thiện, tích hợp thư viện thông minh, kết nối dữ liệu với các thư viện tại Việt Nam và quốc tế.
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ được Quốc hội thảo luận ở tổ vào ngày 6/6 và thảo luận hội trường ngày 20/6, trước khi xem xét thông qua tại kỳ họp 8 (cuối năm).
Ngày 3/6, Quốc hội cũng thảo luận dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Đại biểu nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Công đoàn sửa đổi.