Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Trong cuộc thảo luận, báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Chủ nhiệm Lê Quang Huy trình bày cho biết, qua ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV đã có 171 ý kiến phát biểu, trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu đưa vào dự thảo một số vấn đề xác đáng.
Một trong những vấn đề được dư luận và người tiêu dùng quan tâm là bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Theo đó, dự thảo luật này đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) |
Cụ thể, dự thảo Luật đã quy định về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số… đã được bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định chung về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; trách nhiệm cụ thể của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian; xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số...
Ngoài ra, dự thảo Luật còn có các quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, giao kết, chấm dứt hợp đồng, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, trách nhiệm đối với sản phẩm, hoàng hóa khuyết tật, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng như công bố.
Bên cạnh đó, nội dung này cũng được điều chỉnh theo pháp luật về thương mại điện tử cũng như pháp luật có liên quan. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết, dự thảo luật lần này đã tiếp thu và bổ sung quy định về "trách nhiệm đối với việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đăng ký, thông báo, công bố, giao kết; trong đó, đã quy định về yêu cầu bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự".
Góp ý trực tiếp vào các quy định cụ thể của dự thảo luật, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, nên đưa dự thảo luật này ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tới đây để có nhiều ý kiến bổ ích.
Đối với việc thu thập thông tin người tiêu dùng, sử dụng thông tin của người tiêu dùng, ông Cường cho rằng, cần cân nhắc để phù hợp với các giao dịch trực tuyến bởi thông tin cá nhân về địa chỉ, điện thoại phải được điền vào để thực hiện giao dịch, đo đó cần quy định phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Trường hợp thông tin của người tiêu dụng bị tấn công thì phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng chứ không nên quy định "thông báo trong vòng 24h" thì quá muộn.
Về quy định tập trung vào việc bảo vệ người tiêu dùng là cá nhân, Tổng Thư ký Quốc hội băn khoăn, vậy các cơ quan tổ chức mua sắm tập trung để cho cá nhân tiêu dùng thì sao? Quy định chỉ tập trung bảo vệ quyền lợi cá nhân đã bao phủ hết thực tiễn cuộc sống hay chưa?
Đề cập đến quy định này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn quá trình thực thi và áp dụng trong dự thảo là tổ chức/ đơn vị mà chỉ tập trung bảo vệ quyền lợi cho cá nhân là bất cập bởi trong khi chúng ta đã tổ chức mua sắm, đấu thầu tập trung đang diễn ra hằng ngày. Dù tổ chức/ đơn vị có mua thì cũng cho cá nhân sử dụng như văn phòng phẩm, đồ dùng cá nhân. Do đó, cần đánh giá kỹ hơn quy định này.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.