Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá sẽ bị xử lý nghiêm
Theo Bộ Tài chính, trong Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, nội dung về công khai thông tin vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá chưa được quy định.
Tuy nhiên, trên thực tế việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá có liên quan tới rất nhiều đối tượng trong xã hội, mỗi một hành vi vi phạm hành chính đều ảnh hướng lớn quyền lợi của đối tượng bị xâm phạm.
Việc công bố các hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm và cảnh báo đến các đối tượng trong xã hội là rất cần thiết |
Chính vì vậy, việc công bố các hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm và cảnh báo đến các đối tượng trong xã hội là rất cần thiết. Tại Điều 4 dự thảo Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, Bộ Tài chính đề xuất quy định về nội dung đăng tải thông tin vi phạm, thời gian đăng tải sau khi ban hành quyết định xử phạt; trách nhiệm đăng tải; thực hiện công bố công khai thông tin trong trường hợp đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính.
Theo dự thảo, nhóm hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa dịch vụ do tổ chức, cá nhân tự định giá trong trường hợp phải kê khai giá sẽ có các mức xử phạt vi phạm hành chính như sau: Mức phạt cảnh cáo đối với hành vi chậm công khai thông tin trong thời 5 ngày kể từ ngày phải công khai thông tin; mức phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi không công khai giá hàng hóa dịch vụ; mức phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng cho hành vi công khai không đúng giá hàng hóa dịch vụ; đồng thời quy định về biện pháp khắc phụ hậu quả là Buộc công khai các thông tin theo hình thức đã quy định tại Luật giá.
Đối với nhóm hành vi vi phạm về về cung cấp thông tin về giá hàng hóa dịch vụ theo yêu cầu của người tiêu dùng: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cung cấp thông tin không đầy đủ chính xác về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật, số lượng và các thông tin liên quan khác theo yêu cầu của người tiêu dùng
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm khác trong quản lý, điều tiết giá, gồm: Hành vi loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường; hành vi gian lận, thông đồng về giá bằng cách thay đổi nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian; địa điểm; điều kiện mua, bán; chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ; hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi; hành vi câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá nhằm trục lợi.