Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, thị trường thế giới đối diện với nguy cơ tăng giá
Cơ quan phụ trách an ninh lương thực Indonesia cảnh báo, giá gạo tại nước này sẽ tăng mạnh do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino và quyết định của Ấn Độ dừng xuất khẩu các loại gạo trắng thường để đảm bảo an ninh lương thực. Ngoài Ấn Độ, Indonesia hiện cũng đang duy trì nhập khẩu các nguồn cung gạo từ những quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam để đảm bảo dụ trữ cho kho lương thực quốc gia.
Điều phối viên Liên minh Nhân dân vì An ninh lương thực Indonesia (KRKP) Said Abdullah cho biết, Indonesia đang ở vào tình thế bất lợi với cả vấn đề thời tiết và nguồn nhập khẩu. Là 1 trong những nước nhập khẩu lương thực của thế giới, Indonesia sẽ phải đối mặt với những tác động về sự ổn định và giá cả lương thực của Ấn Độ. Ngoài ra, Indonesia cũng phụ thuộc vào Thái Lan, Việt Nam để đảm bảo lượng gạo dự trữ trong nước.
Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, thị trường gạo Indonesia và nhiều quốc gia khác trên thế giới đối diện với nguy cơ tăng giá |
Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết, hiện tượng thời tiết bất thường do El Nino gây ra sẽ kéo dài tại Indonesia đến tháng 9/2023. Đỉnh điểm được dự đoán sẽ xảy ra vào khoảng tháng 8 - 9 tới. El Nino sẽ gây hạn hán và hậu quả là ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở Indonesia. Indonesia nằm trên đường xích đạo giữa hai đại dương và địa hình nhiều đồi núi nên El Nino cũng sẽ kéo theo lũ lụt. Hiện chính phủ đang cố gắng giảm ảnh hưởng của El Nino, đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực.
Theo ông Said Abdullah, Indonesia có thể đối phó với tình hình này, bằng cách đảm bảo sự ổn định của nguồn sản xuất gạo trong nước, kêu gọi chính phủ chuẩn bị các nhà xuất khẩu gạo thay thế cho Ấn Độ hay 1 số quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nhập khẩu nên là lựa chọn cuối cùng. Chính phủ Indonesia sẽ tối ưu hóa sản xuất lúa gạo trong nước bằng cách cung cấp máy bơm tưới tiêu và hạt giống chịu hạn.
Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng dự kiến hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang các mặt hàng chịu hạn, bằng cách cung cấp công nghệ và thông tin giúp giảm rủi ro. Đối với những khu vực có nguồn cung cấp nước đầy đủ, chính phủ cần đảm bảo cơ sở và điều kiện đầy đủ ở những khu vực này. Chính phủ cũng cần bố trí ngân sách cụ thể để đối phó với những thiệt hại do hạn hán gây ra.
Thái Lan lo ngại việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo
Không chỉ riêng Indonesia, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang lo lắng trước lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, lệnh cấm của Ấn Độ có thể khiến các nhà máy xay xát gạo và các nhà xuất khẩu gạo của nước này trì hoãn các đơn đặt hàng gạo để đánh giá tác động. Điều này có thể dẫn đến giá gạo nội địa có thể tăng 10%. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện tăng lên 545 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021, từ mức 515 USD/tấn vào tuần trước.
Một số thương nhân tại Thái Lan và Singapore dự báo, giá gạo có thể tăng thêm từ 50 - 100 USD/tấn hoặc hơn nữa trong thời gian tới.
Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, ngày 24/7, giá gạo xuất khẩu 5% tấm được chào bán ở ngưỡng 533 USD/tấn, so với đầu tuần trước cũng đã tăng tới 15 USD//tấn. Theo nhiều nhà quan sát đây là mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Tại Đồng bằng sông Cửu long, giá lúa cũng tăng và thị trường gạo nội địa cũng khá sôi động. Trước bối cảnh này, Bộ Công Thương cũng đưa ra khuyến cáo đến Hiệp hội Lương thực và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương khuyến cáo trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang biến động, giá thóc trong nước và giá xuất khẩu gạo cũng biến động tương tự, các doanh nghiệp nên thận trọng trong việc ký kết các hợp đồng. Bộ cũng đề nghị thương nhân duy trì mức dự trữ, lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực.
Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo; chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên để báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp.