Ban hành Bảng giá đất sửa đổi trước ngày 15/10
UBND TP.HCM vừa có văn bản báo cáo HĐND Thành phố về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020 của UBND Thành phố quy định về bảng giá đất trên địa bàn.
Theo UBND TP.HCM, để đảm bảo thời gian ban hành bảng giá đất đúng thời gian, trên cơ sở nội dung kiến nghị của Sở TN&MT, ý kiến của Sở Tư pháp, UBND Thành phố đã thống nhất chủ trương thực hiện xây dựng quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Các công việc dự kiến thực hiện tiếp theo để ban hành bảng giá đất mà Thành phố đưa ra trong thời gian tới cụ thể như sau:
Trong ngày 30/9, Sở TN&MT sẽ hoàn thiện Tờ trình để trình lại Hội đồng Thẩm định bảng giá đất Thành phố.
Trước ngày 10/10, Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất Thành phố sẽ tổ chức họp thẩm định.
Sau đó, UBND Thành phố sẽ thực hiện ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020 trước ngày 15/10.
Lý giải cho việc ban hành Bảng giá đất sửa đổi, UBND TP.HCM cho rằng, qua nghiên cứu quy định của Luật Đất đai năm 2024 và thực hiện rà soát tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn TPHCM, kết quả cho thấy 3 vấn đề bất cập đối với bảng giá đất hiện tại.
Một là vấn đề liên quan đến khung giá đất và sự lạc hậu của giá đất tại bảng giá đất được ban hành theo Quyết định 02/2020.
Theo đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ năm năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, khung giá đất và thực hiện điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất.
Bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn được ban hành theo Quyết định 02/2020 bị khống chế bởi khung giá đất được Chính phủ ban hành theo Nghị định số 96/2019 với mức giá tối đa chỉ là 162 triệu đồng/m2.
Do đó, bảng giá theo Quyết định 02/2020 buộc phải kế thừa giá đất năm 2014 ban hành theo Quyết định số 51/2014 nên bảng giá đất trên địa bàn Thành phố đã ban hành qua 10 năm chưa được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Hai là vấn đề thiếu giá đất tái định cư đã phê duyệt. Cụ thể, UBND Thành phố cho rằng TPHCM là một trong những địa phương thực hiện nhiều dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhất cả nước, đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế của cả nước thông qua trụ cột đầu tư công.
Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2024, GRDP của Thành phố tăng 6,46% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2020 đến nay, đóng góp 19,64% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Ngoài ra, trên địa bàn có nhiều dự án đầu tư công có cấu phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo đó, trong giai đoạn năm năm gần đây, UBND các cấp đã phê duyệt nhiều phương án giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Cũng như tính tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư đối với người được bồi thường về đất ở, người được giao đất ở tái định cư trong trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất ở.
Tuy nhiên, Bảng giá đất được ban hành theo Quyết định số 02/2020 vẫn chưa cập nhật, bổ sung giá đất tái định cư cũng như giá đất cụ thể đã được phê duyệt cho đến nay.
Do đó, nếu tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết ngày 31/12/2025 sẽ dẫn đến tình trạng thiếu giá đất trong bảng giá đất, làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho người được bố trí tái định cư trên địa bàn.
Vấn đề thứ ba là liên quan đến hệ số điều chỉnh giá đất. Theo đó, UBND Thành phố cho biết Luật Đất đai năm 2024 không quy định áp dụng phương pháp áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể đối với các khu đất có giá trị theo bảng giá đất dưới 30 tỷ đồng như Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định số 44/2014 của Chính phủ trước đây.
Theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 158 Luật Đất đai 2024, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất này chỉ "được áp dụng để định giá cụ thể tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi nhiều thửa đất liền kề nhau, có cùng mục đích sử dụng và đã được quy định giá đất trong bảng giá đất mà không đủ điều kiện để áp dụng phương pháp so sánh".
Chính từ 3 bất cập trên, UBND TP.HCM cho rằng nhu cầu điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn là cần thiết phải thực hiện.
Theo Báo Chính phủ