Bộ Công Thương đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm
Công nghiệp, xuất khẩu tăng trưởng khả quan
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ tháng 4, đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, với các biện pháp vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nên phát triển công nghiệp và thương mại tháng 9 có dấu hiệu khả quan.
Toàn cảnh họp báo thường kỳ quý III/2021 |
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ở Quý III/2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 3,5%, tính chung 9 tháng năm 2021 tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Riêng về chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, đợt bùng phát dịch từ tháng 4 đến nay khiến sản lượng sản xuất của ta đã suy giảm mạnh, chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 tiếp tục giảm còn 40,2 điểm so với 45,1 điểm của tháng 7, tốc độ giảm nhanh và mạnh chỉ kém mức được ghi nhận vào tháng 4/2020.
Nhiều vấn đề được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải giải đáp tại buổi họp báo |
Dù vậy, với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh nên sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có sự tăng trưởng trở lại, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 đã tăng 5% so với tháng 8 (tháng 8 giảm 4,3% so với với tháng 7) Tuy nhiên, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2021, sản xuất công nghiệp ước tính vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 2,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,8%), sản xuất được đẩy mạnh ở các tỉnh khống chế được dịch bệnh khu vực phía bắc và đặc biệt là sự nỗ lực duy trì và khôi phục lại sản xuất của các doanh nghiệp khu vực phía Nam.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, Người phát ngôn của Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu đang chững lại kể từ tháng 8, tuy nhiên sang tháng 9 mức giảm đã thấp hơn. Mặc dù vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước vẫn giữ được mức tăng cao (18,8%) đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch ở trong nước thì đây là một nỗ lực rất lớn của các ngành, lĩnh vực.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu trong hai tháng gần đây đã có dấu hiệu giảm (tháng 9 giảm 3,1% so với tháng 8, tháng 8 giảm 5,5% so với tháng 7). Tuy nhiên so với cùng kỳ thì nhập khẩu tháng 9 vẫn tăng 9,5%. Tính chung 9 tháng, nhập khẩu tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về cán cân thương mại, do nhập khẩu có dấu hiệu giảm nên tháng 9 cả nước đã xuất siêu trở lại khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính vẫn nhập siêu 2,1 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 16,9 tỷ USD).
“Nhập siêu của Việt Nam tăng chủ yếu do nhập khẩu tăng, tập trung ở nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất tăng 30,7%, chiếm 88,6% kim ngạch xuất nhập khẩu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin.
Về thị trường nội địa, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 đã có dấu hiệu tăng trở lại.
Thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, nhiều tỉnh/thành phố đã dỡ bỏ giãn cách, hoạt động của các chợ đầu mối và chợ truyền thống đã dần mở cửa trở lại. Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 tăng khoảng 6,5% so với tháng 8 (tháng 8 giảm 10,5% so với tháng 7).
Tuy nhiên, 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 7,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,7%).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn của Bộ Công Thương cho rằng, việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021 phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phòng chống dịch.
“Nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều khả quan như hiện nay, sản xuất và thương mại Quý IV khả năng tăng trưởng cao hơn Quý III, góp phần vào thực hiện mục tiêu năm 2021”, Thứ trưởng nhận định.
5 giải pháp trọng tâm của ngành Công Thương
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Nghị quyết số 01/NQ-CP; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ…, để đạt mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành, góp phần vào hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, ngành Công Thương sẽ tiếp tục tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính.
Trước hết, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.
Thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Thứ hai, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, ổn định cung cầu - giá cả; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước.
Tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm trong những tháng cuối năm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng, nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh… tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển.
Thứ ba, từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất. Song song với đó là triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như: triển khai thực hiện Chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch Tết Nguyên đán 2022, chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng số nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản; khôi phục, tạo đơn hàng mới cho những tháng cuối năm và năm 2022.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Phóng viên Tạp chí Quản lý thị trường tiếp tục đưa tin về buổi họp báo.
Dự kiến những chỉ tiêu có thể đạt được của cả năm 2021:- Về sản xuất công nghiệp: Dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm phấn đấu tăng khoảng 5-6%, (kế hoạch đề ra đầu năm 2021 là 8-9%). - Về xuất nhập khẩu: dự kiến cả năm 2021 có thể đạt mức tăng trên 10% (kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao là 4-5%) - Về thị trường trong nước: nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Dự kiến năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3-4% so với năm 2020 (thấp hơn so với mục tiêu 8%). |