Chủ động xây dựng kịch bản để điều hành giá cả hàng hóa sát thực tế
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan thuộc, trực thuộc bộ và sở tài chính các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và cả năm 2024.
Chủ động xây dựng kịch bản để điều hành sát thực tế
Chỉ thị nêu rõ, trong năm 2023, tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp. Tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm tại một số quốc gia. Lạm phát toàn cầu tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu biến động tăng giảm liên tục, giá lương thực ngày càng tăng.
Trong khi đó, thị trường trong nước cho thấy các tín hiệu tích cực hơn, các mặt hàng quan trọng, thiết yếu cơ bản bình ổn, đáp ứng nhu cầu của người dân; hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi nên nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào. Hàng hóa, dịch vụ trong nước cung đáp ứng cầu.
Bên cạnh đó mặt hàng xăng dầu và LPG vẫn có diễn biến giá phức tạp, chịu nhiều tác động của thị trường thế giới. Những thuận lợi về cung cầu thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ hiện nay được xem như là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2023. Song hành với đó là công tác quản lý, điều hành giá đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Dự báo năm 2024 tiếp tục có nhiều yếu tố biến động khó lường của thị trường thế giới do tác động từ các xung đột chính trị, việc các quốc gia ngày càng có xu hướng bảo hộ thị trường trong nước, tăng cường dự trữ quốc gia sẽ ảnh hưởng đến cung, cầu hàng hóa khiến giá cả có thể diễn biến phức tạp.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính; giám đốc sở tài chính, cục trưởng cục thuế, giám đốc kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh), cục trưởng cục hải quan, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, cục trưởng cục dự trữ nhà nước khu vực theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp.
Theo đó, các cơ quan đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình kinh tế - chính trị và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong nước để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau tết tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội; tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, công tác hoàn thuế.
Với nhóm nhiệm vụ này, Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính, các đơn vị chức năng thuộc các bộ, ngành tổ chức nắm bắt thông tin, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn.
Đồng thời, các đơn vị tham mưu kịp thời trình Bộ Tài chính các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát; chủ động tổ chức triển khai các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; đẩy mạnh công tác tổng hợp thông tin, phân tích dự báo diễn biến giá cả thị trường.
Cục Quản lý giá chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2024 và tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp; kiểm tra theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Các sở tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn. Sở tài chính các địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau tết. Trong đó, cơ quan quản lý đặc biệt lưu ý đến các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân như nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, dịch vụ du lịch, tham quan, dịch vụ vận chuyển hành khách... và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá.
Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại cuối năm
Đối với các cơ quan thuộc Bộ Tài chính đóng tại địa phương như hải quan, thuế, dự trữ nhà nước… Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có chỉ đạo cụ thể.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức trung ương thuộc Bộ Tài chính đóng tại địa phương có trách nhiệm phối hợp với sở tài chính và các sở, ban, ngành tổ chức triển khai công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn.
Các cục hải quan, tăng cường công tác quản lý rủi ro, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại các tuyến và địa bàn trọng điểm thuộc địa bàn quản lý của đơn vị.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Hải quan tập trung lực lượng làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu trong dịp tết; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới đường bộ và trên biển, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan; xây dựng và thực hiện các kế hoạch chuyên đề đấu tranh chống buôn lậu với mặt hàng trọng điểm.
Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Cục Quản lý giá có trách nhiệm đầu mối tổ chức triển khai chỉ thị; chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc bộ có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường; chủ trì triển khai các đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện công tác quản lý, bình ổn giá tại một số địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.