Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ quả vải, nhãn
Với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, Hội nghị thu hút trên 300 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký tham dự.
Đây là hội nghị định kỳ lần thứ 11 do Bộ Công Thương tổ chức liên tiếp hàng tháng từ tháng 7/2022 đến nay. Hội nghị lần này sẽ tập trung bàn thảo về việc xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn, thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu nhanh chóng, hiệu quả những mặt hàng này khi vào vụ thu hoạch.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023” với chủ đề “Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn” |
Chương trình Hội nghị kỳ tháng 5/2023 bao gồm 2 phiên chính: Phiên 1 dành cho đại diện các cơ quan địa phương (gồm Sở Công Thương Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La), Hiệp hội (Hiệp hội Rau quả Việt Nam) thông tin về vụ mùa thu hoạch, trao đổi về nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng quả vải và nhãn của các địa phương và doanh nghiệp trong năm 2023.
Phiên 2 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Nam Ninh (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Singapore, Áo thông tin về tình hình thị trường nước ngoài và các kế hoạch xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn của Việt Nam với các thị trường nước ngoài.
Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ quả vải, nhãn
Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh nhiều địa phương ở khu vực miền Bắc đang bước vào vụ thu hoạch vải, nhãn chín rộ (tập trung cao điểm trong 2 tháng 6 và 7). Do vậy, đây là sự kiện rất quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản, trong đó tập trung vào mặt hàng quả vải và quả nhãn.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, vải, nhãn là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với tổng diện tích khoảng 98,3 nghìn ha; chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả toàn miền. Trong đó, vải 58,8 nghìn ha, nhãn 39,5 nghìn ha, tập trung tại một số tỉnh khu vực trung du miền núi phía bắc và đồng bằng sông Hồng.
Quả vải và nhãn là hai loại trái cây nhiệt đới đặc trưng của Việt Nam với hương vị thơm ngon khó nơi nào sánh bằng, là sản phẩm chủ lực của một số địa phương trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; góp phần thu hút đầu tư, du lịch không chỉ cho địa phương mà còn cho sự phát triển của vùng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu đến hiện tại đã cơ bản hoàn tất; hoạt động giao thương, vận chuyển, logistic với các thị trường nhập khẩu sau khi mở cửa trở lại về cơ bản đã thuận lợi |
"Nhãn, vải còn là đại diện tiêu biểu của ngành rau quả Việt Nam chinh phục thị trường thế giới", Thứ trưởng nhấn mạnh và cho biết, sản phẩm vải tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 30 thị trường khác nhau: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia trong ASEAN, Trung Ðông... và đang tiếp tục được mở rộng. Riêng trái nhãn, thị trường tiêu thụ vẫn ở trong nước là chủ yếu nhưng cũng đã bước đầu được xuất đi Nhật Bản và EU.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La đã triển khai nhiều dự án nhằm nâng cao chất lượng, giá trị vùng trồng, đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, bảo đảm sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu. Nhờ vậy, sản lượng thu hoạch vải và nhãn được duy trì hoặc tăng đều qua các năm.
Cũng theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng trái cây cả nước trong Quý II/2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, vải thiều đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng vào vụ thu hoạch. Nguồn cung trái cây dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế.
"Công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu đến hiện tại đã cơ bản hoàn tất, hoạt động giao thương, vận chuyển, logistic với các thị trường nhập khẩu sau khi mở cửa trở lại về cơ bản đã thuận lợi", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Song, Thứ trưởng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, nguồn cung nông sản dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế.
"Thị trường xuất khẩu luôn biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với mặt hàng quả vải, nhãn tươi, sản lượng tập trung lớn, thời gian bảo quản và tiêu thụ ngắn", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá và cho rằng, thị trường truyền thống và có nhu cầu lớn nhất là Trung Quốc ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, nhãn mác, đóng gói cũng như quy định liên quan về truy xuất nguồn gốc, bảo quản, vận chuyển, thanh toán…
Tại các thị trường khác, bên cạnh nhiều rào cản phi thương mại khắt khe, Việt Nam còn phải đối mặt với thực tế là sức mua giảm sút do tình hình lạm phát cao, nỗ lực giảm giá thành sản phẩm của chúng ta chưa đáp ứng được xu hướng khả năng chi trả của người tiêu dùng giảm.
Đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu
Vụ mùa thu hoạch năm 2023, để chung tay, góp sức cùng các địa phương xúc tiến tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần tạo nên một niên vụ vải, nhãn thành công cho bà con nông dân và doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là giải pháp hữu hiệu trước mắt cũng như lâu dài.
Thứ trưởng lưu ý, duy trì phát triển thị trường truyền thống là Trung Quốc không chỉ các vùng giáp biên giới mà tiếp cận các tỉnh/thành sâu trong nội địa còn nhiều dư địa để khai thác. Đồng thời nỗ lực tối đa để phát triển thị trường gần trong khối ASEAN, tận dụng lợi thế về chi phí và thời gian vận chuyển để có giá thành phù hợp, gia tăng thị phần.
Bên cạnh những thuận lợi, nguồn cung nông sản dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu |
Đối với các thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc... Thứ trưởng đề nghị, các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng và các tỉnh, thành phố cần cách tiếp cận bài bản, phân khúc sản phẩm cao cấp, nhấn mạnh vào chất lượng, an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến và câu chuyện thương hiệu.
"Hoạt động hỗ trợ xuất khẩu cần kịp thời và đi vào thực chất", Thứ trưởng đề nghị và chỉ đạo các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác cung cấp thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn, quy định đối với sản phẩm nhập khẩu, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và thông tin có tính dự báo về những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm quả vải, nhãn Việt Nam.
Trong dài hạn, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với nhu cầu của thị trường, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản.
Bộ Công Thương luôn sẵn sàng, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân
Phát biểu tại Hội nghị giao ban tháng 5/2023, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, thời gian qua, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ luôn là một trong những trọng tâm ưu tiên của Bộ Công Thương.
Với nguyên tắc hỗ trợ sớm nhất có thể, đón đầu các mùa vụ, Bộ Công Thương tập trung cao việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại ở trong nước cũng như nước ngoài.
Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh, nhiệm vụ này, Bộ Công Thương thực hiện với các hình thức phong phú, hướng đến nhiều đối tượng như: Hội chợ, triển lãm, phiên chợ, tuần hàng, lễ hội quảng bá lồng ghép với các sự kiện kinh tế - văn hóa - du lịch lớn, các chương trình giao dịch thương mại, kết nối giao thương, truyền thông thương hiệu, phát triển thương mại đa kênh trong đó thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, tăng cường hoạt động thương mại điện tử với nhiều sàn giao dịch lớn trong và ngoài nước, đẩy mạnh kết nối xuất khẩu thông qua các nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam…
Đặc biệt, Bộ Công Thương luôn tìm cách để phát huy tối đa vai trò của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài - một kênh trao đổi thông tin trực tiếp, thống nhất và nhanh nhất với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương cùng các cơ quan Bộ, ngành trung ương khác, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước trong việc nghiên cứu, đánh giá thị trường, các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại.
Thông qua chuỗi Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho biết, thời gian qua hệ thống Thương vụ đã kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các loại nông sản có tính mùa vụ như vải, nhãn.