Đầu cơ, định giá mua, bán phân bón sẽ bị xử lý nghiêm
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu 3,16 triệu tấn phân bón các loại trị giá 909,34 triệu USD, tăng 20,7% về khối lượng, tăng 40,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Giá phân bón nhập khẩu đã tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, giá trung bình đạt 287,6 USD/tấn.
Phân bón nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, với 1,45 triệu tấn, tương đương 398,65 triệu USD, tăng 35,4% về lượng và 65,4% về trị giá, chiếm 45,7% trong tổng khối lượng và chiếm 43,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Nga, trong tháng 8/2021 nhập khẩu từ thị trường này giảm mạnh 69,4% về khối lượng và giảm 63% về kim ngạch. Tinh chung cả 8 tháng năm 2021 nhập khẩu từ Nga đạt 250.907 tấn, tương đương 82,61 triệu USD, giá trung bình 329,3 USD/tấn, chiếm 7,9% trong tổng khối lượng và chiếm 9,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường Indonesia tăng mạnh 416% về lượng, tăng 686% kim ngạch, đạt 192.207 tấn, tương đương 75,81 triệu USD, chiếm 8% trong tổng kim ngạch.
Giá phân bón nhập khẩu đã tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, giá trung bình đạt 287,6 USD/tấn |
Thời gian qua, giá phân bón tăng trung bình 50-73%, thậm chí có loại tăng hơn 80%, làm tăng chi phí sản xuất, và trong hoàn cảnh giá lúa gạo tăng giảm, đã gây ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.
Trong một cuộc họp mới đây giữa Liên Bộ Công Thương - Nông nghiệp bàn về các giải pháp bình ổn thị trường phân bón trong nước, đại diện hai bộ đều cho rằng, giá phân bón tăng cao là do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón.
Chưa kể, dịch Covid-19 được kiểm soát ở mức độ nhất định tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... đã khiến nhu cầu đối với nhiều mặt hàng này phục hồi rất nhanh. "Giá nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng. Bên cạnh đó là vấn đề vận chuyển, logistics”, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết.
Để bình ổn thị trường phân bón, liên Bộ Công Thương - Nông nghiệp đã thống nhất nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân bằng nhiều hình thức như giảm giá thành sản phẩm; bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào. Tập trung ưu tiên dành phân bón cho sản xuất nông nghiệp trong nước, dừng xuất khẩu.
Về các giải pháp dài hạn, cần hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cố gắng chuyển đổi sang các loại phân bón khác kết hợp với việc sử dụng phân bón hữu cơ, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng.
Nhằm bình ổn thị trường cũng như giữ ổn định giá phân bón ở thị trường trong nước, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng này |
Nhằm bình ổn thị trường cũng như giữ ổn định giá phân bón ở thị trường trong nước, ngày 28/7/2021 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn số 1634/TCQLTT-CNV về việc tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng phân bón.
Theo đó, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan tại địa phương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón.
Thời gian kiểm tra từ ngày 1/8 đến ngày 12/12/2021. Đối trượng kiểm tra là các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh phân bón. Nội dung kiểm tra là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh; hàng hóa và hóa đơn chứng từ có liên quan đến hàng hóa; nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; chất lượng của hàng hóa; việc thực hiện quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cũng đề nghị, Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi sát các biến động đối với mặt hàng phân bón, thường xuyên giám sát thị trường phân bón để kịp thời phát hiện, kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, bán bất hợp lý.
Ngoài ra, Tổng cục QLTT cũng chỉ đạo, Cục Nghiệp vụ QLTT chủ trì, phối hợp với Cục Hóa chất, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón quy mô lớn hoặc phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn khi được yêu cầu.