Đề nghị xử lý hình sự với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang tiếp diễn và ngày càng gia tăng theo chiều hướng tinh vi. Thậm chí, có thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng vừa ra mắt sản phẩm mới, thì ngay lập tức, mặt hàng đó đã bị làm giả, làm nhái. Đấu tranh với tình trạng này là công cuộc gian nan, vất vả và đây là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân nào mà cần sự chung tay của toàn xã hội.
Nhân câu chuyện này, phóng viên Tạp chí Quản lý thị trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp Vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương.
Phóng viên: Qua thực thi nhiệm vụ, ông đánh giá như thế nào về thực trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay?
Ông Nguyễn Đức Lê: Thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền, hàng kém chất lượng và đã đạt được những kết quả nhất định.
Riêng lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) mỗi năm xử lý hàng chục nghìn vụ về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển nhiều vụ việc cho cơ quan công an để khởi tố hình sự.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, một bộ phận doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây nhiều thiệt hại về kinh tế, uy tín đối với các sản phẩm chính hiệu.
Kết quả thực thi của các cơ quan chức năng chưa phản ánh đầy đủ thực tế vi phạm trên thị trường, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế và bất cập.
Phóng viên: Vậy thưa ông, đâu là nguyên nhân để những vi phạm này vẫn tồn tại thậm chí là gia tăng?
Ông Nguyễn Đức Lê: Theo tôi, về mặt khách quan, chúng ta còn nhiều hạn chế về nguồn lực. Chẳng hạn nhà nước còn hạn chế về thể chế, nguồn nhân lực, kinh phí, trang thiết bị… doanh nghiệp thiếu nguồn lực về tài chính, công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm,...; người dân còn hạn chế về thu nhập, nhận thức,...
Vì vậy, nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền , kém chất lượng vẫn còn tồn tại và ở một số lĩnh vực vẫn là những thách thức với nỗ lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Không chỉ vậy, hiện nay, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự, xử lý dân sự ít; một số văn bản quy phạm phát luật còn quy định chưa thống nhất. Hơn nữa, hiện các chế tài xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định ở rất nhiều văn bản khác nhau gây khó khăn cho công tác thực thi.
Hiện nay có rất nhiều cơ quan thực thi có thẩm quyền xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến chức năng nhiệm vụ bị chồng chéo; cơ chế phối hợp vẫn chưa được đồng bộ, chặt chẽ, phân tán, hoạt động rời rạc.
Nguyên nhân nữa đến từ sự phối hợp giữa các cơ quan, chức năng còn rời rạc, chưa thực sự đồng nhất. Chẳng hạn như QLTT gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ, phối hợp với các chủ thể quyền ở nước ngoài để kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả tại Việt Nam.
Phóng viên: Dù số vụ việc vi phạm nhiều nhưng chủ yếu chỉ dừng lại ở xử lý hành chính mà ít vụ việc xử lý hình sự. Nhiều quan điểm được đưa ra trong Luật Sở hữu trí tuệ lần này là cần thu hẹp hình thức xử phạt hành chính, mở rộng biện pháp xử lý hình sự phù hợp với cam kết Quốc tế? Từ phía Quản lý thị trường có kiến nghị như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Lê: Chế tài xử lý hình sự là biện pháp răn đe hiệu quả đối với các hành vi vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong quá trình tham gia góp ý Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ cũng như sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự, Tổng cục QLTT đã đề nghị xử lý hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (hàng xâm phạm quyền ) có yếu tố tái phạm vì hiện nay hành vi xâm phạm quyền chưa có chế tài xử lý hình sự, mới xử lý hành chính nên tính răn đe còn thấp.
Các đối tượng vi phạm lợi dụng điều này để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (hàng xâm phạm quyền ), tái phạm nhiều lần.
Đề nghị xử lý hình sự với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ |
Về xử lý hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ, Tổng cục QLTT cũng đã tham gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung hướng dẫn, quy định về vấn đề quy mô thương mại, đồng thời bổ sung xử lý hình sự đối với hành vi tái phạm sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ.
Thời gian vừa qua, nhiều vụ việc hàng giả mạo sở hữu trí tuệ tái phạm nhiều lần nhưng không xử lý được hình sự do các đối tượng lợi dụng điều này để tái phạm với trị giá hàng vi phạm thấp hơn mức xử lý hình sự (200 triệu đồng).
Phóng viên: Việt Nam hội nhập sâu rộng, thì vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa sẽ rất phổ biến và có nhiều vụ việc điển hình được lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện. Vậy theo ông, vấn đề này cần được quy định như thế nào trong Luật sở hữu trí tuệ (sửa đổi) lần này?
Ông Nguyễn Đức Lê: Vấn đề xuất xứ hàng hóa liên quan đến địa lý, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa còn vấn đề sở hữu trí tuệ liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ được đăng ký hoặc thừa nhận theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Thời gian vừa qua, xuất xứ hàng hóa cũng là vấn đề nổi cộm trong bối cảnh xung đột thương mại giữa các quốc gia, như căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Việt Nam trở thành thị trường mà nhiều đối tượng vi phạm lợi dụng để gian lận xuất xứ, né tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, sản xuất, phân phối, tiêu thụ các mặt hàng gây nhầm lẫn về xuất xứ cho người tiêu dùng trong nước. Điều này gây ra nhiều tác hại tiêu cực cho nền kinh tế, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, quyền lợi người tiêu dùng.
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về các tiêu chí để ghi xuất xứ hàng hóa sản xuất, đóng gói, lắp ráp, chế biến tại Việt Nam, vì vậy thời gian vừa qua việc xử lý vấn đề ghi xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam còn lúng túng, vướng mắc. Lợi dụng điều này, một số doanh nghiệp đã có hành vi gian lận về xuất xứ Việt Nam.
Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định về xuất xứ hàng hóa Việt Nam để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc ghi xuất xứ Việt Nam góp phần bảo vệ, khuyến khích các sản phẩm có hàm lượng giá trị cao được tạo ra tại Việt Nam.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông!