Đồng loạt kiểm tra 03 điểm kinh doanh thuốc lá thế hệ mới trên địa bàn Tp. Thái Nguyên
Trưng dụng Quán cà phê cũ, khu nhà trọ để kinh doanh
Trong vai người tiêu dùng, có nhu cầu tìm mua các sản phẩm thuốc lá điện tử, các kiểm soát viên Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần tìm hiểu và trực tiếp đến những nơi diễn ra hoạt động kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
Nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Dương Tự Minh, tổ 1 phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, địa điểm kinh doanh do Phạm Lê Việt Khánh sinh năm 1990 làm chủ sử dụng mặt bằng của quán cà phê cũ để làm nơi kinh doanh, trao đổi, mua bán các sản phẩm thuốc lá điện tử cũng như các phụ kiện liên quan đến mặt hàng trên.
Con ngõ nhỏ để đi vào nơi kinh doanh thuốc lá thế hệ mới của Phạm Lê Việt Khánh |
Khi có khách đến giao dịch, Khánh di chuyển lên gác trên tầng 2 để lấy sản phẩm và hoạt động trao đổi mua bán diễn ra ở tầng 1. Phần lớn khách hàng đến trực tiếp mua đều là khách quen và sinh sống tại Thái Nguyên.
Ở một địa điểm khác là căn nhà cấp 4 nằm sâu trong ngõ ở đường Ga tại tổ 13 phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên. Nếu như không chú ý thì lực lượng chức năng khó có thể biết đây là địa điểm mà Dương Khánh Lâm (sinh năm 1993) sử dụng để kinh doanh các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Trên mặt bằng khoảng 20m2, đối tượng bài trí quầy lễ tân tiếp đón đồng thời trang trí chỗ ngồi và có biển hiệu với dòng chữ “Its vape shop”. Phía ngoài chỗ kinh doanh của Lâm là một dãy nhà trọ mà các bạn trẻ thuê để học tập, sinh sống.
Phần lớn các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thuốc lá thế hệ mới đều mở cửa, giao dịch rất muộn. Sự nhộn nhịp bắt đầu khoảng 15h chiều trở đi cho đến đêm muộn. Các cơ sở này cũng thường xuyên đóng kín cửa để tránh sự chú ý của người ngoài nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi muốn kiểm tra, xử lý.
Đột kích kiểm tra sau 01 năm ‘trinh sát’
Sau thời gian dài thẩm tra, xác minh, sáng ngày 05/7, ba Tổ công tác của Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên bất ngờ đồng loạt tiến hành kiểm tra.
Tại địa chỉ kinh doanh của ông Phạm Lê Việt Khánh, lực lượng chức năng phát hiện 140 máy làm nóng tinh dầu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Khá bất ngờ trước sự xuất hiện của Đoàn kiểm tra, tuy nhiên chủ cơ sở sẵn sàng hợp tác đồng thời khai nhận toàn bộ số hàng hóa được kinh doanh tại nhà đều không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Các sản phẩm được kinh doanh tại cơ sở của Phạm Lê Việt Khánh |
“Em nhập hàng qua các hội nhóm trên mạng xã hội, sau khi chốt số lượng đặt đầu bán chuyển hàng lên cho em. Giá một sản phẩm là máy làm nóng tinh dầu em nhập vào 200.000 và bán gần 300.000 một sản phẩm” Khánh nói.
Lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh của Phạm Lê Việt Khánh |
Đội trưởng Đội QLTT số 2 - Trần Khánh Phương trực tiếp tham gia kiểm tra tại hiện trường |
Tương tự như cửa hàng của Khánh, địa điểm kinh doanh của Dương Khánh Lâm cũng không sử dụng cửa hàng để buôn bán. Lâm sử dụng Facebook có tên gọi “Vape Thái Nguyên” để kinh doanh. Trên trang thể hiện rõ địa chỉ cửa hàng cũng như lượng người theo dõi rất lớn với 8,2 nghìn thành viên.
Facebook của Lâm thu hút 8,2 nghìn người theo dõi |
Tại thời điểm kiểm tra, Tổ công tác của Đội QLTT số 2 đã phát hiện 13 máy làm nóng tinh dầu trị và 168 đầu làm nóng tinh dầu.
Mặc dù kinh doanh hàng hóa, tuy nhiên Lâm không thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh đồng thời toàn bộ số hàng hóa cũng không có giấy tờ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc.
Khi được hỏi về tác hại của việc sử dụng sản phẩm, Lâm hồn nhiên đáp “Em không sử dụng mà chỉ bán”.
Dương Khánh Lâm (ngoài cùng bên phải) làm việc với Tổ kiểm tra, Đội QLTT số 2 |
Biển hiệu phía trong cơ sở kinh doanh của Dương Khánh Lâm |
Theo ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên, hoạt động kinh doanh thuốc lá thế hệ mới nổi lên tại thị trường Thái Nguyên những năm gần đây. Các đối tượng chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán, giao dịch, hoạt động trao đổi thường diễn ra kín trên các Hội nhóm và sẵn sàng ‘giải tán’ hoặc đóng cửa nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình thẩm tra, xác minh thông tin và tiến hành kiểm tra.
“Phải mất hàng năm thẩm tra, xác minh chúng tôi mới có thể tiến hành kiểm tra được các địa điểm kinh doanh trên” ông Phương nói.
Tăng tốc thực hiện nhiệm vụ được giao
Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã manh nha xuất hiện từ một vài năm trở lại đây và có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp trong khoảng 06 tháng đầu năm 2022. Hoạt động này thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm của người dân từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử, nhất là với các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chế biến sẵn, hàng gia dụng. Những thủ đoạn, phương thức vi phạm mới ngày càng tinh vi của các đối tượng làm ăn không chân chính đã gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và gây khó khăn cho lực lượng trong việc kiểm tra, kiểm soát.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, toàn lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra 565 vụ, xử lý 514 vụ vi phạm. Thu nộp ngân sách nhà nước trên 3,3 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 4,3 tỷ đồng.
Riêng Đội QLTT số 2 đã kiểm tra, xử lý 151 vụ; thu nộp ngân sách trên 1,5 tỷ đồng.
Các hành vi vi phạm tập trung chủ yếu vào nhóm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm về giá, vi phạm về nhãn hàng hóa. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, thuốc lá, đồ gia dụng, tập trung chủ yếu tại các địa bàn đông dân cư, nhu cầu tiêu dùng cao như TP. Thái Nguyên, các chợ trung tâm, tuyến đường chính tại các huyện, thành…
Ông Tạ Đình Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các Phòng chuyên môn thực hiện nhiệm vụ được giao |
Dự báo thị trường 06 tháng cuối năm 2022 sẽ diễn ra sôi động, theo đó các hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại có nhiều khả năng sẽ gia tăng, ảnh hương đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Ban Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo thực hiện là tăng cường triển khai công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, Tổng cục QLTT và UBND tỉnh. Trong đó chú trọng kiểm tra đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu… nhằm phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tình hình khó khăn tung tin thất thiệt, tăng giá quá mức gây bất ổn thị trường.
“Tình hình thị trường đang diễn biến phức tạp chính là thời điểm, cơ hội để hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số phát triển sôi động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố vi phạm. Chính vì vậy tổ công tác về thương mại điện tử cần tăng tốc thực hiện nhiệm vụ” ông Tạ Đình Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo.