Du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa
Trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023); công suất phòng trung bình ước đạt khoảng từ 45 - 50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (trong đó cơ sở lưu trú du lịch cao cấp từ 4 - 5 sao ở một số địa phương trọng điểm du lịch đạt công suất cao hơn, tập trung vào các ngày 3, 4 Tết).
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng ghi nhận số lượng khách quốc tế đến tăng cao ở nhiều địa phương: Đà Nẵng ước đón gần 177.000 lượt; Hà Nội ước đón gần 103.000 lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; Ninh Bình ước đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam ước đón 97.000 lượt, tăng 42%; Quảng Ninh ước đón 89.767 lượt; Tp. Hồ Chí Minh ước đón 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023; Kiên Giang ước đón 44.370 lượt, tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2023; Lâm Đồng ước đón 20.000 lượt… Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng so với dịp Tết Dương lịch 2024 và cùng kỳ năm 2023 nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương và hoạt động xúc tiến, quảng bá được triển khai rộng khắp.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày cùng với thời tiết thuận lợi nên hoạt động du lịch diễn ra sôi động, nhộn nhịp trên hầu khắp các điểm đến du lịch trong cả nước. Khách du lịch có xu hướng chọn lựa các điểm đến di sản, tâm linh, văn hóa nổi tiếng tại các địa phương. Các điểm đến ở vùng núi phía Bắc cũng thu hút đông khách vì khu vực này bắt đầu vào mùa đẹp nhất khi hoa mận, hoa mơ, đào rừng nở rộ. Xu hướng du lịch tự túc, nhóm nhỏ, gia đình, tự đặt dịch vụ tại điểm đến gia tăng, đặc biệt là ở các điểm đến gần với các thị trường nguồn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Một số địa phương đã phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành tổ chức chào đón khách "xông đất", tạo hứng khởi cho khách du lịch ngày đầu năm mới. Nhiều khu, điểm du lịch trên cả nước cũng đã chủ động chuẩn bị các chủ đề đặc sắc "7 ngày tết 7 chủ đề" nhằm tạo ấn tượng thu hút du khách tham quan, vui chơi giải trí. Một số sản phẩm du lịch sáng tạo, kết hợp công nghệ cao (công nghệ ánh sáng, công nghệ 3D, thực cảnh,…) thu hút lượng lớn người dân, du khách tham quan, trải nghiệm.
Nhờ đó, một số điểm đến đã thu hút đông lượng khách tham quan, vui chơi như Hà Nội, Tam Chúc (Hà Nam), Tràng An (Ninh Bình), Sapa (Lào Cai), Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh…
TP. Hồ Chí Minh ước đón và phục vụ 1,8 triệu lượt khách, tăng 5,9%; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.550 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Quảng Ninh ước đón và phục vụ 803.570 lượt khách, tăng 56%.
Hà Nội ước đón và phục vụ 653.000 lượt khách, tăng 21,6%; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 35,1%.
Thanh Hóa ước đón và phục vụ 635.000 lượt khách, tăng 48,7%; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 588 tỷ đồng, tăng 51,2%.
Khánh Hòa ước đón và phục vụ 630.300 lượt khách, trong đó có 191.000 lượt khách có lưu trú, tăng 25,8%; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 878 tỷ đồng. Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón và phục vụ 592.650 lượt khách, tăng 36,0%; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 409 tỷ đồng, tăng 12,7%.
Ninh Bình ước đón và phục vụ 580.000 lượt khách, tăng 46%. Tây Ninh ước đón và phục vụ 520.720 lượt khách, tăng 3,7%; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 376 tỷ đồng, tăng 55%.
Đà Nẵng ước đón và phục vụ 402.000 lượt khách, tăng 37%; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 1.580 tỷ đồng.
Quảng Nam ước đón và phục vụ 305.000 lượt khách, tăng 35%; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 1.580 tỷ đồng.
Kiên Giang ước đón và phục vụ 270.230 lượt khách, tăng 26,4%; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 928 tỷ đồng; Công suất phòng đạt 66,3%.
Bình Thuận ước đón và phục vụ 205.000 lượt khách, tăng 28%; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 340 tỷ đồng, tăng 10%.
Hà Giang ước đón và phục vụ hơn 141.200 lượt khách, tăng 64%; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 350,1 tỷ đồng.
Thừa Thiên Huế ước đón và phục vụ 102.000 lượt khách, tăng hơn 20%; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 160 tỷ đồng.
Dịp Tết Nguyên đán 2024, các đơn vị lữ hành lớn như Hanoitourist, Saigontourist, Vietravel, Du lịch Việt, Benthanhtourist, Transviet… đã xây dựng nhiều chương trình tour mới cả trong và ngoài nước với nhiều chương trình, hình thức khuyến mại hấp dẫn; đồng thời tích cực khai thác sản phẩm du lịch mới với nhiều sự lựa chọn, trong đó tập trung nổi bật ưu thế vùng miền, liên kết phát triển theo định hướng "một cung đường, nhiều điểm đến", đa dạng hóa dịch vụ nhằm tăng doanh thu dịp Tết. Xu hướng tour giá rẻ giảm, thay vào đó là lựa chọn các tour đặt sớm, ưu tiên chất lượng.
Đáng chú ý, một số địa phương có cảng biển quốc tế đã tổ chức đón khách du lịch tàu biển trong dịp Tết Nguyên đán 2024 như Quảng Ninh đón tàu Zhao Shang Yi Dun với 600 khách Trung Quốc; Đà Nẵng đón tàu Zhao Shang Yi Dun và Dream Cruise với khoảng 3.400 khách; Tp. Hồ Chí Minh đón tàu Europa, Seabourn Encore, Celebrity Cruises với hàng nghìn lượt khách đa quốc tịch… Những tín hiệu tích cực từ du lịch tàu biển cho thấy một năm phục hồi nhiều khởi sắc của dòng khách quốc tế quan trọng này, trong đó có khách từ thị trường truyền thống Trung Quốc.
Các hãng hàng không tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường thêm chuyến bay phục vụ nhu cầu di chuyển của du khách và người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Các hãng hàng không nội địa ước cung ứng khoảng 5,5 triệu vé trên toàn mạng bay nội địa, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 69% so với ngày thường.
Nhìn chung, hoạt động du lịch trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 diễn ra khá suôn sẻ, gần như không xảy ra tình trạng tắc nghẽn, quá tải tại điểm đến. Tình hình an ninh trật tự tại các điểm đến ổn định; công tác niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai đầy đủ. Công tác vệ sinh môi trường đảm bảo sạch sẽ, mang lại hình ảnh du lịch an toàn, xanh - sạch - đẹp tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn cả nước.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, để chuẩn bị tốt cho hoạt động du lịch dịp Tết nguyên đán năm nay, Cục đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành công văn số 72/BVHTTDL-DLQGVN ngày 08/01/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác quản lý đối với các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.
Đồng thời, Cục đã ban hành công văn số 1176/CDLQGVN-VP ngày 26/12/2023 gửi các Sở quản lý du lịch đề nghị tập trung tăng cường công tác quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn, đảm bảo hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã chỉ đạo Trung tâm Thông tin du lịch và tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, điểm đến tới du khách trong và ngoài nước trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; đăng tải bài viết cảnh báo các chiêu trò lừa đảo mua vé máy bay, tour, phòng khách sạn… giá rẻ trên không gian mạng.
Trên cơ sở đó, các Sở quản lý du lịch các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch; ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, dịch vụ trên địa bàn chuẩn bị tổ chức các sự kiện văn hoá, lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024 đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với tình hình của từng địa phương.