Giá dầu nối dài đà suy yếu, giá nông sản phục hồi
Tuy nhiên, lực bán vẫn chiếm ưu thế nên chỉ số MXV-Index rơi thêm 0,24%, xuống 2.099 điểm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu nối dài đà suy yếu sau dữ liệu tồn kho tăng trái ngược với dự báo của thị trường, bất chấp tín hiệu lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ. Kết phiên, giá dầu WTI giảm 1,75%, về mức 76,98 USD/thùng, dầu thô Brent giảm 1,15%, xuống 79,76 USD/thùng.
Cụ thể, theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần trước ghi nhận mức tăng 1,4 triệu thùng, trái ngược so với dự báo của thị trường với mức giảm 2,2 triệu thùng. Thực tế này đã khiến sức ép tiếp tục gia tăng lên giá.
Cũng cản trở đà tăng của giá dầu, Cơ quan Năng lượng quốc tế mới đây đã cắt giảm ước tính năm 2025 về tăng trưởng nhu cầu dầu, với lý do tác động của nền kinh tế Trung Quốc suy yếu đối với tiêu dùng. Điều đó xảy ra sau khi OPEC cắt giảm nhu cầu dự kiến cho năm 2024 vì những lý do tương tự.
Một loạt các chỉ số ảm đạm gần đây đã làm giảm kỳ vọng về hoạt động kinh tế tháng 7 ở Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thị trường nông sản đang dần thoát khỏi sắc đỏ, giá nhiều mặt hàng đang quay đầu phục hồi. Đáng chú ý, giá khô đậu tương bật tăng gần 5%, cắt đứt chuỗi giảm 7 phiên liên tiếp. Ngoài ra, giá ngô, lúa mì cũng đang phục hồi tích cực.
Trong phiên giao dịch hôm qua, giá ngô đã đi lên từ vùng giá thấp nhất trong vòng 4 năm. Mặc dù thị trường vẫn còn chịu áp lực do triển vọng nguồn cung tốt tại Mỹ, nhưng lực mua kỹ thuật đã giúp thị trường hồi phục.
Giá lúa mì cũng ghi nhận tăng hơn 1% vào hôm qua theo diễn biến chung của các mặt hàng nông sản. Lo ngại tình hình nguồn cung tại Mỹ là yếu tố đã góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, mưa đang xuất hiện ở các khu vực phía đông và trung tâm vành đai ngô nhưng tình trạng nắng nóng và khô hạn vẫn đang len lỏi ở phía nam. Lúa mì sẽ là mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự thay đổi này khiến giá đang được hỗ trợ.