Giá dầu thế giới chịu áp lực bán mạnh do nhu cầu tiêu thụ kém
* Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều
Dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã gây tâm lý lo ngại cho thị trường về nhu cầu dầu. Số liệu được công bố trong tháng này cho thấy tổng nhập khẩu dầu nhiên liệu của Trung Quốc đã giảm 11% trong nửa đầu năm 2024. Điều này làm dấy lên mối quan ngại về triển vọng nhu cầu của nước này.
Áp lực lên thị trường cũng tăng lên sau tin tức nhà máy lọc dầu Dangote công suất 650.000 thùng/ngày tại Nigeria đang bán lại các lô hàng dầu thô của Mỹ và Nigeria sau các sự cố kỹ thuật tại nhà máy. Nguy cơ không thể hoạt động với công suất tối đa khiến cho tham vọng trở thành quốc gia xuất khẩu nhiên liệu chưa thể sớm thành hiện thực. Điều này có thể khiến hoạt động nhập khẩu dầu thô của Nigeria bị hạn chế đi đáng kể.
Trong khi đó, mùa tiêu thụ cao điểm mùa hè đã đi được nửa chặng đường và cho đến nay khối lượng tồn kho của Mỹ vẫn rất ổn định, các nhà đầu cơ và cá quỹ phòng hộ đã cắt giảm đáng kể vị thế mua. Cụ thể, các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tiền tệ khác đã bán tương đương 103 triệu thùng trong sáu hợp đồng tương lai và quyền chọn chỉ tính riêng trong tuần kết thúc ngày 23/7. Đà hồi phục của đồng USD, với chỉ số đô la Mỹ (DXY) tăng 0,24% lên 104,56 điểm, mức cao nhất trong vòng ba tuần cũng gây nhiều sức ép lên giá dầu trong phiên hôm qua.
Đồng trải qua phiên biến động mạnh, giá tiếp tục suy yếu
Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, sắc đỏ áp đảo bảng giá kim loại với 8 trong số 10 mặt hàng giảm giá. Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp đà giảm từ phiên cuối tuần trước với mức giảm 0,96% về 9.004 USD/tấn. Giá đồng vừa trải qua phiên biến động khá mạnh trong ngày hôm qua.
Ngay từ khi mở cửa, lực bán đã áp đảo trên thị trường đồng do nhu cầu tiêu thụ kém tại Trung Quốc vẫn đang là yếu tố chính gây sức ép lên giá. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy các nhà sản xuất đồng nước này đã tăng xuất khẩu đồng tinh chế lên mức kỷ lục trong bối cảnh tiêu dùng nội địa yếu. Cụ thể, trong tháng 6, nước này đã xuất khẩu 157.751 tấn đồng tinh chế, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tới phiên tối, giá đồng đảo chiều tăng trở lại và đà giảm dần thu hẹp về cuối phiên, bởi lực mua đồng tăng mạnh sau khi có tin đồn công nhân đe dọa đình công tại mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida.
Cụ thể, theo hãng tin Reuters, công đoàn tại mỏ đồng Escondida đang kêu gọi gần 2.400 công nhân bỏ phiếu từ chối ký hợp đồng với công ty chủ quản BHP. Tới khi kết thúc bỏ phiếu vào thứ Năm (1/8), nếu công nhân từ chối thỏa thuận, một cuộc đình công có thể bắt đầu ngay lập tức. Điều này có thể khiến hoạt động sản xuất tại đây bị ảnh hưởng nặng nề, đe dọa đến nguồn cung đồng toàn cầu.