Giá phân bón trong nước vẫn biến động tăng theo xu hướng thế giới
Giá phân bón đang tăng nóng từng ngày theo đà tăng của giá phân bón thế giới, tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.
Tiến sĩ Trương Hồng, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, giá phân bón trong nước thời gian qua tăng theo xu hướng giá phân bón thế giới. Thị trường phân bón Việt Nam là thị trường mở, đa số nguyên liệu để sản xuất phân bón NPK phải nhập từ nước ngoài, do vậy, thời gian qua, giá nguyên liệu thế giới tăng làm giá phân bón trong nước cũng biến động theo xu hướng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Ninh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân Đạm Và Hóa Chất Hà Bắc cho biết, giá nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân đẩy giá phân bón tăng. Bên cạnh đó là chi phí vận chuyển, logistics.
Ông Nguyễn Đức Ninh khẳng định, nguồn cung phân bón trong nước không thiếu so với nhu cầu, nhưng do giá thế giới biến động tác động lớn đến chi phí giá thành sản xuất làm tăng giá bán sản phẩm.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đức Ninh, nguyên nhân chính đẩy giá phân bón trong nước cao trong thời điểm này là do một số nhà sản xuất phân bón lớn nhất Trung Quốc đang tạm hoãn hoạt động xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, từ đó, đẩy giá phân bón trên thế giới tăng. Ở trong nước, giá phân bón cũng biến động cùng xu hướng.
Đến thời điểm hiện tại, giá phân bón tăng chủ yếu do yếu tố bên ngoài, từ nguyên liệu sản xuất đến chi phí vận tải tăng |
Trong khi đó, một lãnh đạo doanh phân bón miền Bắc cũng chia sẻ, nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, đặc biệt là khi nhiều doanh nghiệp phân bón lớn ở Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu, vì vậy, giá phân bón của Việt Nam sẽ chịu tác động rất lớn.
Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho hay, hiện nay, giá 3 nguồn nguyên liệu chính dùng để sản xuất phân bón nói chung đang tăng mạnh mẽ. Điển hình như, giá quặng apatit tăng từ 1,097 triệu/tấn lên mức 1,250 triệu/tấn; giá lưu huỳnh tăng từ 210 USD/tấn lên gần 300 USD/tấn; giá amoniac tăng từ 13 triệu/tấn lên 18 triệu/tấn.
“Giá phân bón tăng chủ yếu do yếu tố bên ngoài, từ nguyên liệu sản xuất đến chi phí vận tải tăng”, lãnh đạo doanh nghiệp này nhấn mạnh và cho rằng, doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung phân bón cho thị trường nội địa với giá ổn định.
Phân tích rõ hơn về biến động giá phân bón ở thị trường nội địa trong giai đoạn hiện nay, đại diện Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân Đạm Và Hóa Chất Hà Bắc chia sẻ, mặc dù giá nhiều loại phân bón tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2020, nhưng nhìn chung mặt bằng giá phân bón ở trong nước vẫn thấp hơn so với thế giới.
Cụ thể, giá bán lẻ phân urê tại khu vực Nam Bộ bình quân ở mức 16.000 - 17.000 đ/kg. Nguyên nhân giá phân urê trong nước vẫn thấp hơn giá thế giới là do Việt Nam hoàn toàn chủ động được nguồn cung urê từ 4 nhà máy sản xuất (Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình).
Không chỉ vậy, đang là thời điểm cuối năm, miền Bắc đang trái vụ nên nhu cầu tiêu dùng phân bón sẽ giảm, do vậy, nguồn cung vẫn được đảm bảo từ sản xuất và nhập khẩu.
Ngoài ra, hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cũng hợp tác tích cực trong việc hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả để giảm chi phí vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Trong buổi họp bàn giải pháp bình ổn thị trường phân bón giữa Liên Bộ Công Thương - Nông nghiệp diễn ra hồi tháng 8/2021, đưa ra giải pháp bình ổn thị trường phân bón, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh yêu cầu, các doanh nghiệp phân bón cố gắng hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam được bán giá thấp hơn phân bón nhập vào, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhấp.
Về các giải pháp dài hạn, Thứ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cố gắng chuyển đổi sang các loại phân bón khác kết hợp với việc sử dụng phân bón hữu cơ, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng.
Về khâu lưu thông, Thứ trưởng đề nghị, tất cả các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải chủ động giải pháp đảm bảo lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để đảm bảo cho vụ Đông Xuân sắp tới.