Hội nghị Tham vấn cấp Bộ trưởng kinh tế giữa ASEAN và các đối tác
Vụ Chính sách thương mại Đa Biên cho biết từ ngày 19 đến 22 tháng 9 năm 2024, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56, các Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN và các đối tác gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Liên bang Nga, Vương quốc Anh, Thụy Sỹ, Canada, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), các nước tham gia Thượng đỉnh Đông Á, các nước ASEAN+3, các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã lần lượt diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Lãnh đạo Bộ Công Thương dẫn đầu và các đại diện Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao.
Xuyên suốt các hội nghị, các Bộ trưởng ghi nhận tình hình hợp tác thương mại và đầu tư giữa ASEAN và các đối tác, ghi nhận việc ASEAN ngày càng khẳng định vị thế của mình là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư quan trọng của các nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu. Các Bộ trưởng cũng đã dành thời gian trao đổi về những cơ hội và thách thức mới đối với nền kinh tế khu vực và toàn cầu và đề ra các giải pháp nhằm duy trì dòng chảy thương mại liên tục cũng như ứng phó tốt hơn với các diễn biến có khả năng tác động đến kinh tế khu vực và toàn cầu.
Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và các nước đối tác FTA (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) đã ghi nhận tình hình thực thi, rà soát và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do “ASEAN + 1” và Hiệp định RCEP. Các Bộ trưởng đặc biệt hoan nghênh và hướng đến việc hoàn thành trong năm nay 02 ưu tiên kinh tế của Lào – nước Chủ tịch ASEAN 2024 là: (i) kết thúc cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) và (ii) phê duyệt Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Australia và New Zealand. Các Bộ trưởng cũng đã thống nhất các chương trình hợp tác trong thời gian tới để tăng khả năng doanh nghiệp tiếp cận và tận dụng ưu đãi của các FTA, bảo đảm các FTA trong khuôn khổ ASEAN tiếp tục có ý nghĩa, hiện đại, hướng tới tương lai và đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực. Ngoài ra, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Canada cũng thảo luận về tình hình đàm phán và mục tiêu kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Canada vào cuối năm 2025.
Trong vai trò nước điều phối quan hệ kinh tế ASEAN – EU, tại Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – EU, Việt Nam đã trình bày báo cáo của Nhóm công tác về Thương mại và Đầu tư ASEAN-EU trong đó đáng chú ý là việc khởi động nghiên cứu chung về chính sách thương mại số, thương mại điện tử ASEAN-EU. Các Bộ trưởng đã thông qua các kiến nghị này.
Thông qua thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và đối tác liên quan đã thông qua một số văn kiện quan trọng như Kế hoạch triển khai Thỏa thuận Khung Thương mại và Đầu tư ASEAN-Hoa Kỳ (TIFA) và Sáng kiến Hợp tác kinh tế mở rộng (E3) giai đoạn 2024-2025; Tài liệu cập nhật “Mô hình tương lai và Kế hoạch hành động cho Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEAN – Nhật Bản sáng tạo và bền vững”; Chương trình công tác hợp tác kinh tế ASEAN+3 giai đoạn 2025-2026; Chương trình công tác ASEAN - Vương quốc Anh (UK) để triển khai Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng về Hợp tác kinh tế tương lai; Tuyên bố chung Hợp tác giữa ASEAN và EFTA, v.v…
Cùng với việc thảo luận về các nội dung hợp tác kinh tế thương mại, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng tham gia đối thoại với các Hội đồng kinh doanh: ASEAN – Liên minh châu Âu, ASEAN – Vương quốc Anh, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN – Canada, ASEAN – New Zealand, ASEAN – Hoa Kỳ, ASEAN – Nhật Bản, Đông Á; Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại ASEAN, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản và Phòng Thương mại ASEAN – Australia, v.v… để trao đổi về các hoạt động hợp tác liên quan cũng như khuyến nghị của các Hội đồng kinh doanh nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nước trong khu vực.
Các Bộ trưởng cũng dành thời gian thảo luận về công tác chuẩn bị và kết quả dự kiến của kênh hợp tác kinh tế trong ASEAN, trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN và đối tác dự kiến diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng 10 năm 2024 tại Viêng chăn, Lào.
Tham gia các hội nghị trên, Việt Nam đã bày tỏ sự cảm ơn đến Chính phủ các quốc gia đã hỗ trợ Việt Nam để ứng phó, khắc phục hậu quả mà siêu bão Yagi gây ra. Ta cũng đã có nhiều đóng góp chủ động, tích cực, góp phần tìm kiếm giải pháp, đồng thuận chung, định hướng cho hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với ASEAN và các đối tác nhằm mục tiêu củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, phát triển kinh tế bền vững trong khu vực.
Các hội nghị tham vấn trên kết thúc vào chiều ngày 22 tháng 9 năm 2024, đóng góp vào thành công chung của chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56 và các hội nghị liên quan do Lào tổ chức trong năm Chủ tịch ASEAN 2024 của mình.
Cùng chuyên mục
Tin khác

Các hoạt động của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân thăm chính thức Indonesia và Ban Thư ký ASEAN

Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng giữa Việt Nam và Kyrgyzstan

Giá xăng dầu đồng loạt giảm sâu

Bộ Công Thương công bố các Quyết định về công tác cán bộ

Bộ Công Thương khẩn trương triển khai công tác kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động theo bộ máy mới

Sau sắp xếp, Bộ Công Thương phân công lại nhiệm vụ trong lãnh đạo Bộ

Thủ tướng chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm mục tiêu đạt 8% trở lên

Bộ Công Thương ban hành thông tư mới về giá dịch vụ truyền tải điện
Đọc nhiều / Mới nhận

Nhận diện các loại ma tuý mới, ma tuý núp bóng bánh kẹo, thực phẩm chức năng

Cảnh báo khẩn cấp tình trạng giả mạo khách sạn, homestay lừa chiếm đoạt tiền đặt phòng nghỉ

Bắc Kạn phát hiện, thu giữ hơn 2,4 tấn xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo trước Quốc hội 10 cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Thông tin về vụ việc xảy ra cháy tại Trạm biến áp 500kV Long Thành (Đồng Nai)

Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025
