Lắng đọng, lan tỏa cùng những dòng cảm xúc của khách tham quan nhận diện sâm Ngọc Linh
Mở cửa Phòng Trưng bày chuyên đề “Nhận diện đúng Sâm Ngọc Linh trên thị trường” Giá trị của cây sâm trồng trên đỉnh Ngọc Linh |
Đi hơn 150km để mục sở thị cây sâm Ngọc Linh
“Bác phải đi bộ quanh Hồ Gươm, tìm qua 3 cửa hàng bán sâm quanh hồ để hỏi đến đây”, “Chương trình ý nghĩa, thiết thực quá, chú muốn mua sâm mà chưa dám, vì không biết các đặc điểm nhận diện”, hay “tối qua, gia đình chị đã đến đây, nhưng đóng cửa, nên sáng nay phải quay lại”, ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh của chú Phùng Văn Thương (60 tuổi, Trấn Yên, Yên Bái), vượt hơn 150 cây số mang 5 củ sâm đến và nhờ “kiểm nghiệm”... đó là câu chuyện có thực, là những dòng cảm xúc chân thành, những lời chia sẻ của khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh, thành lân cận khi đến với Phòng Trưng bày chuyên đề “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường”.
Phòng Trưng bày với chuyên đề “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường” do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức mở cửa từ ngày 12 đến 18/4/2023 tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nhờ hiệu ứng truyền thông của các cơ quan báo chí tuyên truyền, Phòng Trưng bày chuyên đề về sâm Ngọc Linh đã thu hút rất đông người tiêu dùng, du khách tham quan, tìm hiểu |
Ngay sau ngày khai mạc (12/4), nhờ hiệu ứng truyền thông của các cơ quan báo chí tuyên truyền, thông tin về Phòng Trưng bày với chuyên đề về sâm Ngọc Linh đã được lan tỏa sâu rộng và xuất hiện dày đặc trên trang chủ của nhiều báo, đài. Nhờ đó, người tiêu dùng Thủ đô hay khách du lịch, thậm chí, có nhiều người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành lân cận sẵn sàng vượt quãng đường hàng trăm cây số để “mục sở thị” cây sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Dù tuổi đã cao nhưng bác Tạ Thị Phàn vẫn quyết tâm đi bộ, để tìm đến đúng địa chỉ 62 Tràng Tiền - nơi trưng bày giới thiệu giúp người tiêu dùng nhận diện đúng sâm Ngọc Linh |
Bác Tạ Thị Phàn, sống tại ngõ Gốc Đề, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, qua Đài Truyền hình Việt Nam, bác biết đến Chương trình này, dù trời mưa, nhưng bác phải quyết tâm lên tham quan. Để đến được đây, từ sáng đến giờ, bác phải đi bộ quanh Hồ Gươm, tìm qua 3 cửa hàng bán sâm quanh hồ để hỏi đến đúng địa chỉ 62 Tràng Tiền.
“Chương trình rất tuyệt vời. Trước nay, người tiêu dùng chỉ biết cây sâm, củ sâm Ngọc Linh trồng tại Kon Tum qua báo đài, truyền hình chứ có mấy người nhìn thấy tận mắt đâu. Qua Phòng Trưng bày, người tiêu dùng được tận tay sờ lá sâm, củ sâm, biết các đặc điểm nhận diện lá sâm Ngọc Linh và lá sâm trồng tại các tỉnh, thành khác. Củ tam thất, dù có vẻ ngoài giống củ sâm nhưng vẫn có những đặc điểm để nhận diện, phân biệt. Sự kiện rất ý nghĩa, bác cảm ơn các cháu rất nhiều”, bác Phàn chia sẻ và mong muốn, tới đây, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thêm nhiều chương trình hay, bổ ích như Phòng Trưng bày lần này để giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức, tránh mua, sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
Hình ảnh cả gia đình chị Nguyễn Mai Huyên đến tham quan, tìm hiểu về các loại sâm được giới thiệu tại Phòng Trưng bày |
Hay như câu chuyện xúc động và ấm lòng của gia đình chị Nguyễn Mai Huyên (Đống Đa, Hà Nội). Chị Huyên chia sẻ, bố chị đang mắc ung thư, nghe nói, trong sâm Ngọc Linh có hoạt chất giúp phòng ngừa, dù đã tìm hiểu nhiều nơi, qua nhiều mối quen biết, nhưng gia đình vẫn chỉ dám mua một lượng nhỏ. Qua Phòng Trưng bày chủ đề sâm Ngọc Linh Kon Tum lần này, gia đình chị ngoài biết thêm các đặc điểm để nhận diện, phân biệt, thì còn biết thêm các địa chỉ bán sâm Ngọc Linh Kon Tum uy tín, có nguồn gốc xuất xứ.
“Thật sự cảm ơn cơ quan Tổng cục QLTT khi đã mở Phòng Trưng bày ý nghĩa như thế này. Trước gia đình đã tìm lên tận Lai Châu, Điện Biên... qua nhiều mối quan hệ để tìm mua sâm. Nhưng thực sự vẫn chưa an tâm. Qua chương trình này, ông bà cũng như gia đình chị đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Dù biết, loại sâm nào cũng tốt, sâm Ngọc Linh Kon Tum vẫn tốt, bổ hơn nhiều các loại sâm khác. Qua đây, chị biết phân biệt đâu là sâm trồng, đâu là sâm mọc tự nhiên, thế nào là sâm Ngọc Linh Kon Tum, thế nào là củ tam thất... Chương trình thực sự ý nghĩa, vì sâm là mặt hàng quý hiếm, không phải cửa hàng bán sâm nào cũng có sản phẩm, có người hướng dẫn nhận diện, phân biệt...”, chị Huyên chia sẻ.
Ấn tượng với nhất có lẽ là hình ảnh của bác Phùng Văn Thương (60 tuổi, Trấn Yên, Yên Bái), vượt hơn 150 cây số về Thủ đô và mang theo 5 củ sâm đến và nhờ chúng tôi “kiểm nghiệm”. Theo người nhà của bác, cuối tuần trước, gia đình có mua ít sâm Ngọc Linh để hai ông bà bồi bổ sức khỏe, dù mua chỗ người quen, nhưng so sánh hình ảnh thực tế sản phẩm mua về với sản phẩm trong Phòng Trưng bày “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường” vẫn thấy có sự khác biệt, nên, tối hôm trước, vừa xem ti vi thấy Chương trình trưng bày sâm Ngọc Linh tổ chức tại Hà Nội, ngày hôm sau, bác nằng nặc bắt con cháu chở đi để “mục sở thị”.
Cầm trên tay 5 củ sâm của bác Thương, ông Ngụy Đình Phúc - Đội trưởng Đội QLTT số 2, Cục QLTT Kon Tum - người có nhiều năm nghiên cứu về sâm và là đơn vị kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vi phạm liên quan đến sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm tại Kon Tum cho biết, sản phẩm sâm của bác Thương không phải là sâm Ngọc Linh Kon Tum mà là sâm tự nhiên trồng ở các tỉnh, thành khác.
“Sâm thì đều bổ, đều quý hiếm, song sâm Ngọc Linh có nhiều dưỡng chất quý hiếm hơn so với sâm tự nhiên và sâm trồng tại các tỉnh, thành phố khác. Giá sâm Ngọc Linh Kon Tum cũng cao hơn nhiều so với giá của các loại sâm, tam thất”, ông Ngụy Đình Phúc chia sẻ và giới thiệu cho gia đình bác Thương địa chỉ mua sâm Ngọc Linh uy tín, có nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội.
Sau chuyến công tác dài ngày, hai vợ chồng anh chị trong ảnh đã đến ngay Phòng Trưng bày, mang theo những sản phẩm sâm vừa mua nhờ các kiểm soát viên thị trường "kiểm nghiệm" |
Động lực tiếp sức cho những người công tác tổ chức
Có thể nói, sau một tuần lễ mở cửa, Phòng Trưng bày chuyên đề “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường” đã thu hút rất đông người tiêu dùng và du khách tham quan. Chỉ trong 2 ngày cuối tuần, đúng thời gian diễn ra Phố đi bộ Hồ Gươm, phải có đến hàng ngàn lượt khách ghé qua, tìm hiểu.
Kiểm soát viên thị trường Lê Thị Hồng Liên đang giới thiệu đến người tiêu dùng những đặc điểm nhận diện sâm Ngọc Linh và sâm trồng tại các tỉnh thành phố khác |
Chị Lê Thị Hồng Liên - kiểm soát viên thị trường, Cục QLTT Kon Tum, người tham gia hướng dẫn tại Phòng Trưng bày chia sẻ, “mệt nhưng vẫn thấy vui. Khách tham quan đông quá, chỉ sợ không đủ sức để trao đổi, chia sẻ các đặc điểm giúp người tiêu dùng nhận diện sâm Ngọc Linh và sâm trồng tại các tỉnh, thành phố khác.
Lần đầu tiên đến với Thủ đô Hà Nội, cũng là lần đầu tiên được “ứng trực”, đảm nhận vai trò giới thiệu, hướng dẫn giúp người tiêu dùng nhận diện các sản phẩm -đây là nhiệm vụ mới và cũng là thách thức đối với bản thân. Trong suốt một tuần lễ mở cửa, ngoài người tiêu dùng, Phòng Trưng bày sâm Ngọc Linh còn thu hút sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu có chuyên môn về sâm và các sản phẩm cùng chủng loại. Mỗi một lần giới thiệu, mỗi một lần gặp gỡ, trao đổi là một lần chúng tôi được ôn lại kiến thức, là cơ hội để học hỏi, trau dồi thêm nhiều tri thức mới từ các vị chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Qua sự kiện này, ngoài việc trau dồi các kiến thức nghiệp vụ, tôi cùng các kiểm soát viên thị trường tại Cục QLTT Kon Tum đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức, triển khai trưng bày, giúp người tiêu dùng Kon Tum nhận diện các sản phẩm hàng thật - hàng vi phạm nói chung”.
Tin rằng, những dòng cảm xúc, những lời chia sẻ của khách tham quan, người tiêu dùng sẽ là lời khích lệ, động viên những người làm công tác Quản lý thị trường làm tốt hơn công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả |
Những dòng cảm xúc, những lời chia sẻ của khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh, thành lân cận khi đến với Phòng Trưng bày chuyên đề “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường” sẽ là lời khích lệ, động viên để chúng tôi - những người làm công tác Quản lý thị trường có thêm động lực để làm tốt hơn công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.