Mở cửa hàng không và du lịch, kỳ vọng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng mạnh
Du lịch nội địa khởi sắc trong những ngày đầu năm Nhâm Dần Du lịch TP Hồ Chí Minh thu 3.100 tỷ đồng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Khách du lịch nghỉ dưỡng tăng mạnh, resort ở Nha Trang hút khách |
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh
Kể từ thời điểm thí điểm mở lại các đường bay quốc tế từ tháng 1/2022, lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam tăng lên trên 103.000 khách trong tháng 1/2022 và đến hết ngày 14/2/2022 là 153.000 khách.
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, với việc gỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay thường lệ và không thường lệ quốc tế, dự kiến lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới và mục tiêu dần khôi phục trở lại như giai đoạn trước dịch COVID-19.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 15/2/2022 đã có các chuyến bay thường lệ chở khách giữa Việt Nam với một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Đài Loan -Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Đức, Nga, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Đến hết ngày 14/2/2022 lượng khách quốc tế đến Việt Nam hơn 153.000 khách. |
Đối với Trung Quốc, các hãng hàng không vẫn đang thực hiện chở khách chiều từ Trung Quốc vào Việt Nam. Còn chiều từ Việt Nam đi Trung Quốc đang hạn chế do chính sách phòng chống dịch COVID-19 của Trung Quốc.
Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cho biết, hiện nước này đang tập trung thực hiện phòng chống dịch nghiêm ngặt; trong đó tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với các chuyến bay quốc tế.
Theo đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, trong ngày đầu tiên mở lại đường bay quốc tế thường lệ (ngày 15/2/2022), lượng khách qua sân bay Nội Bài không có thay đổi đột biến. Cụ thể, trong ngày 15/2, sân bay Nội Bài khai thác 80 chuyến bay quốc tế (cả chuyến đi và chuyến đến); trong đó có 23 chuyến bay chở khách. Trong 23 chuyến này, có 14 chuyến đi, 9 chuyến đến. Lượng khách đến khoảng 800 người, khách đi là 1.200 người.
Tương tự sân bay Nội Bài, tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong ngày 15/2, sân bay này khai thác 94 chuyến bay quốc tế. Song trong số này cũng chỉ có 15 chuyến bay quốc tế chở khách đi với 1.354 người, 9 chuyến bay chở khách đến với 1.245 người.
Về phòng chống dịch, đại diện các hãng hàng không khuyến nghị, hành khách cần thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh của các quốc gia như các quy định về hộ chiếu, vaccine, xét nghiệm PCR âm tính, cách ly và lưu trú… Mở cửa du lịch đúng thời điểm: Việt Nam đang có lợi thế.
Du lịch hoạt động trong điều kiện bình thương mới
Từ ngày 15/3, Việt Nam dự kiến mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Nhiều chuyên gia bày tỏ sự ủng hộ, đồng thời đề xuất một số giải pháp thực hiện hiệu quả chủ trương này.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đồng thời với sự thành công của chiến dịch ngoại giao vaccine, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới.
Hà Nội mở cửa toàn bộ các điểm du lịch |
"Trong khi các nước xung quanh chưa đạt được điều này, Việt Nam phải tận dụng các lợi thế đó để mở cửa. Nếu mở cửa, lợi thế đi trước sẽ thuộc về Việt Nam", ông Cao Trí Dũng khẳng định.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 9 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần (từ ngày 29/1-6/2), ngành du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong 9 ngày nghỉ Tết, lượng khách du lịch nội địa đã vượt số khách cả tháng 12/2021 (5,2 triệu lượt) và không thua kém lượng khách nội địa trong tháng 1/2020 (7,3 triệu lượt) - thời điểm trước dịch bệnh COVID-19 là mấy. Một số điểm đến có lượng khách tăng đột biến, vượt hoặc xấp xỉ lượng khách dịp Tết Canh Tý 2020.
Dù vậy, chỉ dựa vào thị trường nội địa là chưa đủ. Khách quốc tế mới giúp du lịch Việt Nam phục hồi một cách ổn định, lâu dài và bền vững. Khách quốc tế quay lại mới tạo ra được nhu cầu lớn, giúp phục hồi toàn bộ hệ thống dịch vụ.
"Hơn 6 triệu lượt khách nội địa dịp Tết Nguyên đán chủ yếu là du lịch tại chỗ. Còn nhiều nơi vẫn vắng khách dù có tài nguyên tốt. Phải có khách quốc tế vì khách quốc tế lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn", ông Cao Trí Dũng nói.
Cũng chia sẻ quan điểm về lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam khẳng định mở cửa du lịch quốc tế là chuyện sống còn đối với các ngành du lịch, hàng không Việt Nam. Hai ngành này đã bị thiệt hại ở mức chưa từng có sau gần 2 năm đại dịch COVID-19.
Chuyên gia này phân tích, trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam đóng góp tới 9,2% GDP, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 2,5 triệu người và gián tiếp cho khoảng 2 triệu người trong các lĩnh vực gắn kết với du lịch. Du lịch quốc tế chiếm tới 80% số lượng hành khách hàng không quốc tế ra vào Việt Nam, nên du lịch quốc tế đóng vai trò quyết định đối với hàng không quốc tế.
"Về cơ bản, du khách từ các thị trường lớn như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản khi quay về vẫn phải cách ly, còn Trung Quốc chưa mở cửa. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn du lịch quốc tế mở cửa vào thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất.
TS. Lương Hoài Nam cũng cho rằng đến thời điểm này, Chính phủ đã thực hiện rất thành công chiến dịch tiêm vaccine. Nước ta đã đạt tỉ lệ tiêm vaccine 2 liều cơ bản cao hơn so với nhiều quốc gia phát triển (kể cả châu Âu, Mỹ). Hệ thống chống dịch ở các địa phương đã được củng cố và đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Mặc dù số ca nhiễm hằng ngày vẫn cao, nhưng số ca chuyển bệnh nặng, tử vong đã khá thấp.
Cùng với mong muốn cho phép mở lại du lịch quốc tế, công bố rộng rãi để khắp thế giới biết rõ, giới chuyên gia đề xuất, đi cùng với đó là một chương trình quảng bá mạnh về du lịch Việt Nam và việc phục hồi tất cả các chính sách du lịch quốc tế trước đại dịch COVID-19.
Trong đó, quan trọng nhất là cần phục hồi chính sách miễn visa du lịch đã áp dụng cho 13 quốc gia ngoài ASEAN và xem xét tiếp tục mở rộng danh sách các thị trường nguồn du lịch quốc tế được miễn visa, hoặc có chính sách visa dài hạn 5-10 năm cho một số nước như Mỹ, Australia, New Zealand…, hoàn thiện các kênh xin và cấp visa online (E-Visa), xin và cấp visa trực tiếp tại các cửa khẩu ngay khi nhập cảnh (Visa-On-Arrival).
Cùng với đó, quy định của Việt Nam cho du khách quốc tế cần được công bố rộng rãi như một cam kết với du khách, các hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch ở nước ngoài.
Du khách quốc tế thường đến nhiều địa phương trong chương trình tour 1-3 tuần, rất khó chấp nhận mỗi nơi làm một kiểu, làm cho việc di chuyển trong Việt Nam khó khăn, trải nghiệm du lịch bị tổn hại. Các thông tin du lịch quốc tế được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đưa vào hệ thống phân phối điện tử của các hãng hàng không, lữ hành, không thể xử lý được nếu mỗi địa phương có những quy định, cách làm riêng… vì vậy, các địa phương phải thống nhất trong ban hành, áp dụng các điều kiện về phòng chống COVID-19, phù hợp các quy định chung của Chính phủ.