Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong Thương mại điện tử Việt Nam
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các cơ quan, lực lượng chức năng như: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải Quan (Bộ Tài chính), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an), Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Tài chính), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Ủy ban cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng như đại diện các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee.
Toàn cảnh Hội thảo
1/2 dân số Việt Nam mua sắm online
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nhận định, TMĐT hiện nay chi phối rất nhiều hoạt động trong cuộc sống, đòi hỏi lực lượng chức năng phải kịp thời nắm bắt, có phương pháp kiểm soát phù hợp thực tế. Đó cũng là lý do mà Đề án 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 là một trong những Đề án được Chính phủ ký ban hành với thời gian tương đối nhanh; điều đó thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với lĩnh vực TMĐT nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức, nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng, bảo đảm TMĐT hoạt động lành mạnh.
Theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, xu hướng những năm gần đây nền kinh tế đang phục hồi, sức mua hàng hóa tốt. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, trước những thuận lợi trong mua sắm hàng hóa mà TMĐT mang lại, người mua dần thay đổi thói quen, dẫn đến các cơ sở kinh doanh truyền thống phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để dịch chuyển phương thức kinh doanh phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh phát biểu tại Hội thảo
Minh chứng về nhận định này, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đưa ra ví dụ tại chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) - một trong những địa bàn bán buôn, bán lẻ sầm uất, tấp nập của khu vực miền Bắc với lượng hàng hóa luân chuyển lớn, đưa đi khắp nơi trên cả nước. Tuy nhiên từ đầu năm 2023 đến nay, thông qua công tác quản lý địa bàn, lực lượng QLTT ghi nhận chợ Ninh Hiệp rất đìu hiu, vắng vẻ, rất ít người qua lại mua sắm hàng hóa. Hay như TP.Hồ Chí Minh, ngay cả những tuyến phố sầm uất tại Quận 1, Quận 3, mặt bằng bị trả lại dần phổ biến hơn.
Theo thống kê, doanh số bán lẻ trên internet năm 2020 tại Việt Nam là 13 tỷ đồng. Đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.
Các sàn giao dịch TMĐT đang là nơi mua sắm phổ biến của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện thì việc mua bán trên sàn TMĐT cũng đã và đang tạo ra những thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Dẫn chứng, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, cách đây hai tuần, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra đột xuất một kho hàng lớn ở Gia Lai. Quá trình theo dõi, QLTT bắt quả tang các đối tượng này livestream bán hàng trên Facebook với lượng theo dõi lên đến hàng chục ngàn người. Lượng hàng hóa chốt đơn thông qua livestream hàng ngày được phân phối khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua hình thức chuyển phát nhanh. Khi lực lượng chức năng kiểm tra đã phát hiện và thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm vi phạm với đủ các lĩnh vực từ hàng thời trang, gia dụng, tiêu dùng, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm...
Không chỉ riêng Gia Lai, trước đó, lực lượng QLTT cũng đã phát hiện, xử lý hàng loạt các kho hàng với quy mô lớn, kinh doanh chủ yếu trên các nền tảng thương mại điện tử tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như tại Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh... Nhiều đối tượng sau đó đã bị khởi tố vì hành vi "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp". "Dường như các sàn TMĐT tổ chức việc mua bán quá dễ dàng, hàng giả, hàng nhái tràn lan” Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nói.
Hội thảo có sự tham gia của 220 cán bộ Quản lý thị trường từ 22 Cục Quản lý thị trường miền Bắc; đại diện các cơ quan Cục An ninh mạng, Tổng cục Hải Quan, Tổng cục Thuế, Ủy ban Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, cùng các doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử như Shopee, Lazada.
Hiện nay, người mua hàng dần tạo thành thói quen mua sắm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tổng cục QLTT thường xuyên nhận được phản ánh từ hãng về tình trạng hàng giả, nhái ngay trên sàn như Lazada, Shopee và mới đây là Tiktok. Song song với đó là Facebook, Zalo cũng tạo ra đất sống cho vi phạm.
"Với thương mại truyền thống, việc xác minh địa điểm mua bán, kho chứa hàng, giao kết hợp đồng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với bán hàng online, lực lượng chức năng khó xác định địa điểm mua bán, người bán, kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng và chứng cứ cũng dễ dàng bị thay đổi" Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nêu thực tế.
Nhan nhản hàng giả, hàng cấm đăng bán trên TMĐT
Tại Hội thảo, Thượng tá Phạm Công Hải - đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến thương mại điện tử.
Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hàng lớn. Lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý nhiều đối tượng bán hàng giả, hàng fake của các thương hiệu lớn như: LV, Gucci, Montblanc... Các loại hàng giả chủ yếu là: Túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm...Các sản phẩm này chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, nhập lậu về Việt Nam.
Thượng tá Phạm Công Hải- đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an)
Bên cạnh đó, tình trạng rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị, ngụy trang qua hàng nghìn tài khoản mạng xã hội, số điện thoại, hội nhóm kín rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ… cũng diễn ra.
Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, nguồn hàng vũ khí, công cụ hỗ trợ được rao bán trên mạng chủ yếu nhập lậu từ các cửa khẩu như: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan. Các đối tượng bán hàng thường vận chuyển hàng hóa vi phạm qua xe khách liên tỉnh, giao hàng tiết kiệm, grab… không ghi địa chỉ người gửi; khai báo không đúng hàng hóa gửi để "qua mặt" lực lượng chức năng.
Trên thực tế, Cục đã điều tra các nhóm đối tượng trên “vukhituve.com”, shopdenpinchichdien.com”… thu nhiều súng M84Cal.6mm, Sport S731, Retoy P114, G19C, M66, súng hơi Condor, 2000 hộp đạn, pháo bi, pháo hoa, kiếm, dùi cui…
Ngoài ra, dịch vụ làm giấy tờ giả; lôi kéo người dân tham gia đầu tư tài chính, đầu tư ngoại hối với hứa hẹn lãi suất cao, lợi nhuận lớn tại các vùng quê; buôn bán dược phẩm, thực phẩm chức năng; quảng cáo mua bán bóng cười, nước vui, cần sa, ma túy, qua mạng đã xuất hiện và có dấu hiệu gia tăng.
“Qua rà soát trên mạng, Cục bước đầu phát hiện một số đối tượng thành lập nhóm kín chuyên trao đổi mua bán ma túy, với phương thức thủ đoạn là: Tạo các tài khoản ảo trên mạng xã hội facebook, telegram, zalo để quảng cáo, rao bán các chất ma túy...”, Thượng tá Phạm Công Hải nói.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ tại Hội thảo
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên thương mại điện tử rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian... nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.
Một thủ đoạn khác là các đối tượng chỉ chạy 1 link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau, mỗi page chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết nên ngoài các giải pháp kỹ thuật, cần sự phối hợp của các đơn vị.
Trong khi đó, đại diện của Bộ Khoa học Công nghệ thì cho rằng, hàng giả, hàng vi phạm trên mạng có từ gói thuốc lào đến bao diêm Thống Nhất. Cơ quan quản lý biết là hàng hóa vi phạm nhưng để xử lý thì không dễ dàng.
Cách nào chống hàng giả trên thương mại điện tử?
Để tháo gỡ vướng mắc trong thực tế khi cá nhân mua hàng hóa trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, websites thương mại điện tử bán hàng, bà Nguyễn Phạm Như Hà - đại diện Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) đề xuất: Cần có các quy định cụ thể về định mức miễn thuế và các trường hợp được miễn kiểm tra chuyên ngành.
Chẳng hạn về miễn giấy phép, kiểm tra chuyên ngành ngoài các trường hợp được quy định, đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử quy định: “Hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2 triệu đồng Việt Nam trở xuống hoặc trên 2 triệu đồng Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc (trừ hàng hóa phải kiểm dịch, hàng hóa thuộc danh mục quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hàng hoá thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu) được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành nhưng tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 96 triệu đồng Việt Nam/năm đối với mỗi tổ chức, cá nhân.”
Căn cứ vào mức độ rủi ro của hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan áp dụng thủ tục hải quan phù hợp. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được chia thành các nhóm hàng hóa với mức độ rủi ro khác nhau.
Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm của từng nhóm hàng hóa được phân loại, tại Nghị định quy định về hồ sơ hải quan khác nhau. Đồng thời, số hóa hồ sơ hải quan gửi đến Hệ thống cùng với thông tin đơn hàng, không yêu cầu nộp/xuất trình hồ sơ giấy khi làm thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ.
Đặc biệt, thủ tục hải quan quy định đảm bảo việc đơn giản, nhanh chóng và áp dụng các biện pháp kĩ thuật hiện đại nhằm đảm bảo việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan nhưng không làm ảnh hưởng đến tốc độ thông quan của hàng hóa.
Về phía lực lượng Quản lý thị trường, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh xác định "TMĐT sẽ là mặt trận đấu tranh chủ yếu trong ba năm tới. TMĐT tăng trưởng rất nhanh, nếu không đấu tranh mạnh mẽ, đây sẽ là nơi hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ phát triển tràn lan, khó kiểm soát”. Tổng Cục trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới Quản lý thị trường các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình điều hành phiên thảo luận của Hội thảo trong chiều 15/11
Mặt khác, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hội thảo diễn ra trong không khí sôi nổi, đại diện cho các đơn vị, lực lượng chức năng đã thẳng thẳn chỉ ra những ưu khuyết điểm, tồn tại hạn chế cũng như những vi phạm phổ biến trên thương mại điện tử hiện nay nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; bảo đảm và bảo đảm hoạt động TMĐT minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững tại Việt Nam.
Sau khi kết thúc tại Hà Nội, Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra tại Quảng Nam vào ngày 22/11 và tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 29/11/2023.