Nguồn cung thịt lợn có thiếu trong dịp Tết Nguyên đán?
Dịch tả lợn Châu Phi lại bùng phát, đe dọa nguồn cung thịt lợn dịp Tết Xử lý nghiêm đầu cơ, găm hàng, định giá mua bán thịt lợn bất hợp lý Phát hiện cơ sở kinh doanh hơn 1 tấn thịt lợn ôi thiu |
Giá lợn hơi đang tăng mạnh
Ghi nhận của phóng viên trong ngày 17/1, ở khu vực miền Bắc, giá thu mua lợn hơi điều chỉnh tăng nhẹ ở một vài tỉnh thành, dao động trong khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg.
Hiện thương lái tại Yên Bái và Hà Nội đang cùng thu mua lợn hơi chung giá 53.000 đồng/kg sau khi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg.
Tỉnh Thái Nguyên cũng điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg lên mức 52.000 đồng/kg, ngang bằng với Nam Định, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình và Tuyên Quang.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng điều chỉnh tăng rải rác theo xu hướng thị trường, thu mua quanh mốc 50.000 - 54.000 đồng/kg.
Cụ thể, sau khi tăng nhẹ một giá, thương lái tại tỉnh Quảng Trị thu mua lợn hơi ở mức 51.000 đồng/kg.
Tương tự, sau khi tăng 2.000 đồng/kg, tỉnh Thừa Thiên - Huế điều chỉnh giá thu mua lợn hơi lên mức 52.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi hôm nay tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg ở một số địa phương, dao động trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Bình Phước tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, điều chỉnh giao dịch với giá 50.000 đồng/kg.
Sau khi tăng 2.000 đồng/kg, thương lái tại 2 tỉnh Đồng Tháp và Bình Dương lần lượt thu mua lợn hơi với giá 51.000 đồng/kg và 52.000 đồng/kg.
Theo báo cáo của chợ đầu mối Hóc Môn, giá lợn hơi về chợ ở khoảng 55.000 - 58.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với tuần trước. Nguồn cung lợn hơi thời gian gần đây về chợ bình quân đạt 3.900 - 4.000 con một ngày, sức tiêu thụ cũng tăng nhẹ sau một thời gian ảm đạm.
Hiện nay, các hộ, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đã sẵn sàng chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu Tết |
Chia sẻ nguyên nhân đẩy giá lợn tăng, một thương lái thu mua lợn ở Long An cho biết, sức tiêu thụ lợn một tuần nay đã tăng khoảng 10% so với tuần trước đó. Do vậy, khi sức mua tăng đã đẩy giá lợn đi lên. Ngoài ra, đây là thời điểm nhiều doanh nghiệp thu mua lợn để làm sản phẩm chế biến cho cuối năm và Quý I/2022 nên giá lợn có động lực tăng.
Theo ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc C.P Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu thịt lợn tươi và nguyên liệu chế biến tăng cao nên đẩy chúng tăng giá. Ngoài ra, hiện nay các quốc gia lận cận đang có nhu cầu nhập lợn từ Việt Nam nên giá bắt đầu đi lên.
Trước đó, chia sẻ bên lề hội nghị tổng kết ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết nhu cầu tiêu thụ thịt heo dịp Tết năm nay dự kiến tăng 10 - 12% so với bình thường nhưng sẽ vẫn thấp hơn so với mọi năm.
"Vừa qua, thu nhập người tiêu dùng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do đó lượng tiêu thụ chưa cao như mọi năm", ông Trọng nói.
Hai tuần đầu tháng 1, giá heo hơi có xu hướng khởi sắc khi tăng 6.000 – 7.000 đồng/kg, từ mức 46.000 – 47.000 đồng/kg lên mức 52.000 – 55.000 đồng/kg. Đợt tăng này một phần nhờ các nhà hàng, quán ăn bắt đầu gom thịt chế biến các món ăn truyền thống như giò, chả…
Tuy nhiên, theo tính toán của ông Trọng với mức giá hiện tại người chăn nuôi vẫn đang hòa vốn hoặc thậm chí một số hộ lỗ “nhẹ”. Còn với doanh nghiệp chăn nuôi khép kín, mức giá trên đã đảm bảo việc sinh lời.
Nguồn cung thịt lợn Tết được đảm bảo
Theo VTV, chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, hiện nay, các hộ, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đã sẵn sàng chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu Tết.
Nhà ông Thư ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội có 5 trại gà và vịt. Do số lượng chuồng nhiều nên phương thức chăn nuôi của ông là luân phiên, cứ xuất chuồng hết đàn này, ông lại khử trùng rồi vào đàn mới.
Ông Thư cho biết, để chuẩn bị nguồn cung cho Tết, ông đã vào đàn gà mới từ tháng 9, vịt từ tháng 11. “Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, gia đình bố trí khoảng 2.000 con vịt, 1.500 con gà. Tháng 11, gia đình đã vào đàn để cung cấp cho thị trường Tết và sau Tết", ông Thư chia sẻ.
Hiện nay, các trang trại, hộ chăn nuôi lợn và bò cũng chuẩn bị sẵn sàng để đưa nguồn cung ra thị trường dịp cuối năm. Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội) luôn duy trì 5.000 con lợn thịt. Đại diện Hợp tác xã cho biết , năm nay số lượng lợn xuất bán ra thị trường sẽ cao hơn năm 2021.
“Năm nay, chúng tôi chuẩn bị lượng lợn cho dịp Tết tăng gấp đôi so với mọi năm. Mọi năm từ 800 - 1.000 con lợn, nhưng năm nay chúng tôi sẽ đưa ra thị trường 2.000 con cho Tết Nguyên đán sắp tới", ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long cho biết.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Tài chính Công ty CP Đông Thành nhận định, giá ngoài thị trường thế giới đang rất là cao, tuy nhiên để giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế và hỗ trợ người dân trong thời điểm khó khăn này, chúng tôi cam kết giá sẽ không tăng tại thời điểm Tết.
Theo Cục Chăn nuôi, riêng tháng Tết, nhu cầu thịt gà cần khoảng 110.000 tấn, thịt lợn cần khoảng 270.000 tấn, còn thịt bò là 30.000 tấn. Hiện tổng đàn gia cầm của cả nước đạt trên 510 triệu con, tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 28 triệu con; đàn trâu, bò giữ ổn định ở mức trên 8,6 triệu con.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi sẽ là yếu tố quan trọng nhằm ổn định nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi cuối năm.