Dịch tả lợn Châu Phi lại bùng phát, đe dọa nguồn cung thịt lợn dịp Tết
Đại diện Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện có 901 xã của 43 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi (ASF) chưa qua 21 ngày. Hiện đã có trên 231.000 con lợn bị buộc phải tiêu hủy với trọng lượng lợn tiêu hủy trên 10.000 tấn, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng đàn.
Cục Thú y cũng nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát rất cao, do virus gây bệnh ASF có khả năng tồn tại ngoài môi trường, dễ xâm nhập vào nguồn nước, thức ăn chăn nuôi...
Trong khi, hiện nay vaccine phòng dịch ASF vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối, chưa có trên thị trường, nên biện pháp tốt nhất vẫn là chăn nuôi an toàn sinh học.
“Hiện tại, đã xong bước kiểm nghiệm theo quy định, đã xong 1 lần khảo nghiệm tại Hà Nội cho kết quả tốt và đang khảo nghiệm lần 2 tại phía Nam. Dự kiến tháng 12/2021 kết thúc, sau đó sẽ hoàn thiện trình Hội đồng khoa học xét duyệt. Nếu mọi điều tốt đẹp thì trong Quý I/2022 sẽ xong”, đại diện Cục Thú y chia sẻ.
Giá lợn hơi cuối năm có thể tăng cao do chịu tác động cộng hưởng thiếu cung và cầu tăng mạnh |
Nhận định tình hình dịch ASF có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn cuối năm, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc - miền Trung dự báo, giá thịt lợn có thể tăng trong dịp Tết, dịch tả lợn Châu Phi có thể khiến một số địa phương thiếu thịt lợn cục bộ.
Trong khi đó, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam tiếp tục là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng đầu thế giới, đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Hàn Quốc và được dự báo sẽ vươn lên vị trí thứ 2 vào cuối năm 2021.
Do đó, việc đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong nước rất cấp thiết, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường vào những tháng cuối năm - thời điểm tiêu thụ thịt lợn lớn nhất trong năm...
Tương tự, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định, thời gian qua, xu hướng giảm giá kéo dài khiến các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lao đao.
Do đó, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại tại một số địa phương và giá thức ăn chăn nuôi cao tiếp tục gây áp lực lên các công ty và hộ chăn nuôi.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thông thường, thời điểm thả giống để phục vụ dịp Tết rơi vào khoảng tháng 7 hàng năm bởi phải mất 6-8 tháng mới có thể xuất chuồng.
Tuy nhiên, hiện nhiều hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ vẫn đang phải nuôi cầm cự lợn quá lứa, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi trong những tháng qua đã tăng phi mã tới 40%.
"Điều này khiến các hộ chăn nuôi rơi vào tình trạng cạn vốn", Cục Chăn nuôi thông tin và nhận định, triển vọng giá lợn hơi có thể phục hồi mạnh vào cuối năm được xem là cơ hội cho các ông lớn của ngành chăn nuôi trong khi lại là điều tiếc nuối với những hộ, trang trại nhỏ lẻ khi họ vẫn đang "mắc kẹt" với số lợn quá lứa, còn vốn đã cạn dần, chưa thể thả mới để kịp lễ Tết.
Do đó, nếu không nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ khâu tiêu thụ, tái đàn thì nguy cơ thiếu thịt lợn cục bộ trong quý IV/2021, Tết Nguyên đán năm nay rất cao.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cảnh báo giá lợn hơi cuối năm có thể tăng cao do chịu tác động cộng hưởng thiếu cung và cầu tăng mạnh.