Quản lý thị trường cả nước siết chặt công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, Chính phủ ra Chỉ thị quyết liệt phòng, chống Ngăn chặn gần 1,8 tấn lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi đang vận chuyển vào Bắc Giang |
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp. Bệnh dịch đã xảy ra tại hơn 2.200 xã của 57 tỉnh, thành phố. Số heo bị tiêu hủy lên hơn 230.000 con, gấp gần ba lần so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng lo ngại, theo nhận định của các cơ quan chức năng dịch tả lợn châu Phi tiếp tục có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi. Vấn đề cung cầu thực phẩm cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng, nhất là vào dịp cuối năm và khi Tết Nguyên đán đang đến gần.
Nắm bắt tình hình dịch bệnh, ngay từ ngày 20/2/2019, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã ban hành Công văn số 325/TCQLTT-CNV về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiếp tục lây lan tại Việt Nam và chưa có dấu hiệu dừng lại, ngày 8/3/2019 Tổng cục QLTT tiếp tục có công văn số 452/TCQLTT-CNV yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Đây là chiến dịch dài hơn, nhằm đôn đốc Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn và các sản phẩm từ lợn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Tổng cục QLTT yêu cầu và đề nghị các địa phương có dịch và các tỉnh lân cận cần chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn Châu Phi trong tỉnh và lây lan sang các tỉnh lân cận.
Quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Tổng cục QLTT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch, Cục QLTT 63 tỉnh, thành phố đã và đang đồng loạt tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.
Trong đó chú trọng vào các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển thịt lợn mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất phát từ vùng dịch, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y.
Lực lượng QLTT Hà Giang kiểm tra xe ô tô tải, phát hiện và tiêu hủy 310kg động vật là lợn được thu mua, vận chuyển từ vùng đã được công bố có dịch |
Gần đây nhất, ngày 17/11, Đội số 1 - Cục QLTT Hà Giang khám xe ô tô tải biển kiểm soát 23H 00447 đang dừng đỗ tại phường Trần Phú, thành phố Hà Giang. Kết quả khám phát hiện 310kg động vật là lợn. Chủ hàng là ông Phạm Xuân Quý, trú tại thôn Dương Hồi, Yên Thắng, Nam Định.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ông Quý khai nhận, toàn bộ số động vật lợn trên được mua từ xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (là vùng đã được công bố dịch Tả lợn Châu Phi) vận chuyển về thành phố Hà Giang để bán. Ông Phạm Xuân Quý thừa nhận việc không chấp hành quy định về chống dịch bệnh động vật trên cạn. Trước vi phạm trên, Đội trưởng Đội QLTT số 1 đã ban hành quyết định xử phạt hành chính, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm dưới sự giám sát, hướng dẫn của cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, đầu tháng 9/2021, Đội số 6 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang phối hợp với lực lượng liên ngành của tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh thịt lợn do bà Nguyễn Thị Loan làm chủ. Địa chỉ tại Tổ dân phố Hợp Tiến, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số hàng hóa gồm thịt lợn (đã cắt thành khổ được chứa trong tủ bảo quản) và 01 con lợn (không có đầu, đã bị tím tái vùng mông, bụng...) có tổng trọng lượng là 517 kg; toàn bộ số thịt lợn có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu và đề nghị cơ quan chuyên môn xét nghiệm; kết quả các mẫu thịt lợn trên dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra đã thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Loan về hành vi mua bán sản phẩm động vật mang mầm bệnh, đồng thời, buộc tiêu hủy toàn bộ số thịt lợn nêu trên ngay trong ngày.
Lực lượng QLTT Bắc Giang phát hiện, xử phạt cơ sở chứa số lượng lớn thịt lợn qua giết mổ mang mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi |
Cũng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ngày 28/6, trên đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn thuộc địa phận phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bắc Giang kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29C-600.57 do ông Hoàng Văn Ngàn, địa chỉ xã An Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang điều khiển.
Quá trình kiểm tra, Đoàn phát hiện trên xe đang vận chuyển 29 con lợn thịt, tổng trọng lượng khoảng 1,5 tấn. Toàn bộ số lợn trên xe không có giấy tờ kiểm dịch theo quy định. Đoàn kiểm tra đã gửi mẫu xét nghiệm và đều cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Qua đấu tranh, lái xe khai nhận số lợn trên được thu mua vận chuyển từ tỉnh Vĩnh Phúc về tỉnh Bắc Giang tiêu thụ. Đoàn kiểm tra đã ra Quyết định xử phạt hành chính đối với ông Ngàn. Đồng thời, buộc tiêu hủy toàn bộ số lợn bị nhiễm bệnh nêu trên.
Trong những tháng cuối năm, để công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn vào dịp Tết Nguyên đán, Tổng cục QLTT tiếp tục yêu cầu các Cục QLTT phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tham gia tất cả các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.
Đồng thời, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực gần cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, chợ đầu mối, chợ trung tâm, trung tâm thương mại, các tuyến, địa bàn trọng điểm đường bộ, đường biển, đường sắt; kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Mặt khác, xử lý tiêu huỷ toàn bộ lợn, sản phẩm lợn vận chuyển, kinh doanh trái phép, không rõ nguồn gốc và nghi vấn đến từ nguồn dịch; trước khi tiêu huỷ, lực lượng QLTT phải phối hợp với cơ quan kiểm dịch, Thú y để lấy mẫu xét nghiệm bệnh.
Để công tác phòng, chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả hơn nữa, lực lượng QLTT cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tham gia tất cả các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương. |
Cùng với việc kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc, ăn thịt lợn mắc bệnh và nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Khuyến cáo người dân khi phát hiện các vụ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh thì báo ngay với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.