Nhiều thị trường tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam
Xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP tăng 123% Bữa tối ngon, bổ, rẻ, chuẩn cơm mẹ nấu Tôm, cá tra Việt Nam không có đối thủ ở thị trường Bắc Âu |
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, trong bức tranh xuất khẩu thủy sản tháng 2/2023 với 610 triệu USD, cá tra đóng góp gần 26% với giá trị 156 triệu USD. So với cùng kỳ, dù xuất khẩu cá tra vẫn thấp hơn 9%, nhưng bối cảnh lạm phát làm nhu cầu giảm và giá nhập khẩu giảm, thì doanh số của tháng 2 cũng là dấu hiệu tích cực.
Đặc biệt, có rất nhiều thị trường tăng mạnh nhập khẩu cá tra trong tháng vừa qua. Trong đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc tăng 26% đã phản ánh xu thế tất yếu của thị trường sau khi dỡ bỏ chính sách zero Covid. Tính đến hết tháng 2, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt gần 73 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022, do giảm mạnh trong tháng 1.
Trong tháng 2/2023, có nhiều thị trường tăng mạnh nhập khẩu cá tra của Việt Nam, nhiều thị trường tăng trưởng 3 con số |
Trung Quốc nhập khẩu cá tra qua vào 23 tỉnh thành của cả nước. Top 5 địa phương nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam là Quảng Đông (chiếm 30%), Sơn Đông và Thượng Hải đều chiếm 12%, Thiên Tân và Trạm Giang đều chiếm 10%.
Năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu trên 253 nghìn tấn cá tra của Việt Nam, tăng 71% so với năm 2021. Giá trung bình nhập khẩu cá tra vào thị trường đạt 2,4 USD/kg, tăng 25%. Trong đó, giá nhập khẩu cao nhất là ở Quảng Đông, Hồ Bắc, An Huy, đạt 2,6 - 2,7 USD/kg.
Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường khác trong tháng 2 có tăng trưởng 2 con số như: Anh tăng 79%, Colombia tăng 38%, Đức tăng 84%, Singapore tăng 60%, Bỉ tăng 90%...
Đặc biệt, có một số thị trường đã tăng trưởng đột phá 3 con số, như Arập Xê út tăng 110%, Bồ Đào Nha tăng 228%, Iraq 322%...
Song, cũng theo VASEP, xu hướng ngược lại là xuất khẩu vẫn giảm ở nhiều thị trường quan trọng như Mỹ giảm 59%, Brazil giảm 23%, Thái Lan giảm 29%, Mexico giảm 11%...
Do vậy, lũy kế xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng âm 38% và ghi nhận doanh số 240 triệu USD. Trong đó, chỉ có một số ít thị trường Anh, Đức, Singapore, Bồ Đào Nha duy trì được tăng trưởng dương từ 6-81%. Trong đó Đức đang có tín hiệu khả quan nhất, chiếm tới 2,6% xuất khẩu cá tra, so với tỷ trọng 0,9% cùng kỳ năm ngoái.
Từ những phân tích trên, VASEP nhận định, xuất khẩu cá tra trong thời gian tới chủ yếu kỳ vọng vào Trung Quốc, một số nước châu Âu như Anh, Đức, Bồ Đào Nha và các thị trường Trung Đông. Tuy nhiên, xuất khẩu sẽ không thể bứt phá mạnh mẽ.
Những tháng tới, nhu cầu xuất khẩu có thể sẽ tăng so với đầu năm, nhờ các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại như hội chợ, hội nghị sẽ thúc đẩy xuất khẩu, nhưng giá xuất khẩu sẽ không cao như năm 2022.
Tuy nhiên, cá tra sẽ vẫn là lựa chọn phù hợp cho người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới trong giai đoạn năm 2023 còn nhiều khó khăn về kinh tế.