Ổn định nguồn cung xăng dầu từ nay đến hết năm
Bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước Từ 15h hôm nay: Giá xăng ổn định so với giá bán lẻ hiện hành Giám sát, xử phạt nhiều cửa hàng xăng dầu vi phạm Xăng dầu tiếp tục giảm mạnh |
Cuộc họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại đầu cầu Hà Nội, tại trụ sở Tổng cục Quản lý thị trường có sự tham dự của Thiếu tướng Bùi Trọng Thế - Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), một số doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam và các đơn vị của Bộ Công Thương bao gồm Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công thương địa phương, Văn phòng Bộ.
Ngoài ra, có sự tham dự trực tuyến của đại diện UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và 63 Cục Quản lý thị trường trên cả nước.
Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động. Giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu và điều tiết hoạt động kinh doanh.
Những nỗ lực của hệ thống chính trị trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Xăng dầu là vật tư chiến lược đối với mọi quốc gia. Vì là mặt hàng chiến lược nên các nước quy định đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có quy định rõ ràng về mặt pháp luật, có tổ chức thành hệ thống về quản lý, cung ứng kinh doanh xăng dầu trên phạm vi từng lãnh thổ. Thời gian vừa qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bộ ngành và địa phương đặc biệt là Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố đã tham mưu, ban hành các quy định, triển khai thực hiện quản lý, điều hành giá xăng dầu nghiêm túc và đồng bộ.
“Có thể khẳng định thị trường xăng dầu của Việt Nam được đánh giá là ổn định hơn so với tất cả các nước trong khu vực và thế giới”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định và cho biết, điều này cũng thể hiện được khi nguồn cung của Việt Nam ngay cả trong lúc khó khăn nhất của thế giới cũng chưa khi nào thiếu nguồn cung trong nước, nguồn cung cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.
Đồng thời, giá cả về cơ bản giữ được mức ổn định và bao giờ cũng thấp hơn so với khu vực và thế giới. Sở dĩ chúng ta làm được điều này là do chúng ta đã sử dụng tốt các công cụ quản lý giá như: Điều tiết các khoản thuế phù hợp, điều chỉnh thuế về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu. Có những địa phương, có thời điểm còn sử dụng cả quỹ an sinh để bảo đảm cho tình hình cung ứng và kinh doanh xăng dầu giữ ở mức ổn định.
Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ 5 kỳ điều hành gần đây, một mặt do áp lực giá xăng dầu thế giới giảm dần, một mặt, trong nước, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành có liên quan đã tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm một số sắc thuế, như: Giảm thuế bảo vệ môi trường, từ mức 2.000 đồng bình quân giảm tiếp 1.000 đồng trong thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ cũng đã quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu - thuế MFN. Đối với các nước khu vực ASEAN, Việt Nam đã hưởng biểu thuế ưu đãi ở mức khoảng 10- 12 % từ lâu và gần đây đã giảm xuống mức 8 %. Với các nước không nằm trong khu vực này, trước thời điểm đầu tháng 8, Việt Nam vẫn phải áp ở cái mức khoảng 20 đến 25%, song đến hiện nay, tất cả các sắc thuế nhập khẩu xăng dầu ở tất cả các thị trường còn lại của khu vực ASEAN cũng chỉ còn ngưỡng 10%. Như vậy, giảm những thuế này, chúng ta sẽ có đa dạng các nguồn cung.
"Nếu như trước đây Việt Nam băn khoăn chỉ có nguồn cung ở ASEAN tại một vài nước cụ thể, bây giờ nguồn cũng đa dạng hơn, ở nhiều châu lục, nhất là những khu vực được xem như là trọng điểm về nguồn cung xăng dầu trên thế giới. Bộ Tài chính cũng đã đồng hành cùng Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ xem xét để có thể giảm những loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đã điều hành và sử dụng một cách rất hiệu quả đến Quỹ bình ổn xăng dầu"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Trong 5 tuần vừa qua giá xăng dầu chúng ta liên tục điều chỉnh giảm và đến thời điểm mới điều hành cách đây mấy ngày thì tiếp tục giảm.
“Đây là thành quả rất lớn, thể hiện chủ trương rất đúng của Đảng, Nhà nước và là sự nỗ lực rất cao của các bộ, ngành chức năng, của cấp ủy, chính quyền các địa phương, hệ thống kinh doanh xăng dầu. Chúng ta cũng phải đánh giá rất là cao vai trò của Hiệp hội Xăng dầu, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu, nhất là những tập đoàn, những doanh nghiệp làm ăn chân chính trong lĩnh vực này, đã góp phần làm cho thị trường xăng dầu ổn định, nguồn cung không đứt gãy, giá cả hợp lý và theo đúng chỉ đạo, định hướng của Đảng, của Nhà nước”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu |
Báo cáo cụ thể về tình hình thị trường xăng dầu hiện nay, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho biết, sau thời gian tình hình giá xăng dầu thế giới bớt căng thẳng về nguồn cung, giá cũng giảm xuống, thì trong tuần vừa qua, nguồn cung lại khá căng, giá lại biến động tăng mạnh trở lại trong những ngày gần đây. Tình hình Trong nước, tháng 8 có 2,8 triệu m3 cả tồn kho gối đầu phải duy trì sang các tháng tiếp theo khoảng 1 – 1,3 triệu m3; nguồn tiêu thụ trong tháng khoảng 1,5-1,7 triệu m3. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo 2 Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn 6 tháng cuối năm và kế hoạch đăng ký với Bộ là quý III sẽ sản xuất 3,9 triệu m3, chiếm 72% tổng nhu cầu, quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu.
“Về cơ bản, lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Hiện nay, cả 2 nhà máy đều đang vận hành công suất tối đa. Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường. Về tồn kho, tồn kho xăng dầu từ tháng 7 chuyển sang là 1 triệu m3, đến ngày 25/8 dự kiến là 0,9-1 triệu m3”- ông Trần Duy Đông thông tin.
Về nhập khẩu, theo chỉ đạo của Bộ, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu theo tiến độ được giao, ước nhập khẩu tháng 8 là 520 nghìn m3 và dự kiến các tháng cuối năm, mỗi tháng doanh nghiệp nhập khẩu 500 ngàn m3. Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, theo ước tính 1,6-1,7 triệu m3/1 tháng. “Nguồn cung từ trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng và hoạt động sản xuất”- ông Trần Duy Đông khẳng định.
Thiếu tướng Bùi Trọng Thế - Phó Cục trưởng Cục an ninh kinh tế (Bộ Công an) |
Cũng tại cuộc họp, Thiếu tướng Bùi Trọng Thế - Phó Cục trưởng Cục an ninh kinh tế - cho biết, vừa qua, tại diễn đàn xăng dầu trên mạng xã hội đã xuất hiện tình trạng một số tài khoản cá nhân kêu gọi cửa hàng xăng dầu đồng loạt đóng cửa, không bán xăng dầu. Vấn đề này Bộ Công An đã theo dõi sát tình hình. Đây là vấn đề gây bức xúc dư luận, nguyên nhân họ đưa ra là do một số thương nhân bị rút giấy phép, chiết khấu thấp.
“Những thông tin kêu gọi các cửa hàng xăng dầu đồng loạt đóng cửa, không bán xăng dầu cho người tiêu dùng..., Cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Công An sớm vào cuộc, phối hợp với đơn vị nghiệp vụ, công an địa pương tổ chức điều tra, xác minh làm rõ và có biện pháp xử lý đúng quy định pháp luật. Tiếp tục tham mưu Chính phủ những kiến nghị bất cập về vấn đề quản lý kinh doanh xăng dầu thời gian tới”- Thiếu tướng Bùi Trọng Thế nhấn mạnh.
Không có tình trạng tạm ngưng kinh doanh xăng dầu
Thông tin thêm về tình hình kiểm tra, xử lý gian lận thương mại xăng dầu trong thời gian vừa qua, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường – cho biết, theo báo cáo mới nhất, trong 2 tuần vừa qua, mới chỉ có một số ít cửa hàng xăng dầu được kiểm tra là không đảm bảo đủ. Tính đến ngày 25/8, trong 2 tuần, lực lượng quản lý thị trường tại một số địa bàn như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã xử lý vi phạm hành chính 4 cửa hàng tạm ngừng hoạt động vì lý do hết xăng dầu.
Tính từ đầu năm đến nay, có 255/16.700 cửa hàng xăng dầu trên cả nước hiện nay đang dừng hoạt động do nhiều lý do. Các cây xăng này đang được Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đang xem xét xử lý để làm các thủ tục xin cấp lại.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - phát biểu |
“Trong 2 đoàn mà Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì thanh tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, đã phạt vi phạm hành chính 23 doanh nghiệp đầu mối, với số tiền gần 10 tỷ đồng, trong đó có xử phạt bổ sung là tước giấy phép là 1,5 tháng đối với 7 doanh nghiệp đầu mối. Trong 7 doanh nghiệp đầu mối này đến nay đã trả lại giấy phép do đã hết thời hạn giữ 1,5 tháng là 4 công ty. Còn lại 3 công ty, 1 công ty nữa trả giấy phép vào ngày 29/8. Như vậy, sẽ có 1 công ty sẽ trả nốt vào ngày 12/9, 1 công ty sẽ vào ngày 14/9”- ông Trần Hữu Linh thông tin và nhấn mạnh cần phải đánh giá rõ ràng việc tác động của việc rút giấy phép như thế nào. Bởi sau khi trả giấy phép, các công ty này đã nối lại việc cung ứng xăng dầu. Đặc biệt là 3 công ty chuẩn bị trả giấy phép, số lượng cửa hàng cũng như địa bàn và tình hình kinh doanh nhập khẩu lực lượng quản lý thị trường nắm rất kỹ khả năng tác động của việc cung ứng xăng dầu.
Đối với kết quả thanh tra 11 thương nhân đầu mối tại khu vực phía Nam, ông Đỗ Anh Tuấn - Phó Thanh tra Bộ Công Thương - thông tin, qua thanh tra, Đoàn thanh tra đánh giá với trách nhiệm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong quá trình hoạt động kinh doanh đã chấp hành các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, báo cáo định kỳ, đảm bảo nguồn cung ứng cho hệ thống phân phối khi thị trường khó khăn; chấp hành quy định về kinh doanh xăng dầu, quy định về phòng cháy chữa cháy, an toàn chất lượng trong kinh doanh,… Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế như chưa đáp ứng quy định hệ thống phân phối, hệ thống kho bãi xăng dầu, công tác báo cáo chưa đầy đủ, chưa đáp ứng quy định nhập khẩu tối thiểu…
“Căn cứ kết quả thanh tra, Đoàn lập biên bản vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân dầu mối và một số công ty con. Ngoài hình thức phạt tiền, Đoàn kiến nghị hình phạt bổ sung và khắc phục hiệu quả như tước giấy phép và sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu nhập khẩu từ 1-3 tháng, và kiến nghị thu lời bất chính đối với tồn tại, vi phạm của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”- ông Đỗ Anh Tuấn cho hay.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, Bắc Kạn, Đà Nẵng, TP HCM, Kiên Giang, Cần Thơ… cũng đã báo cáo về tình hình kinh doanh xăng dầu tại địa bàn. Các ý kiến đều khẳng định, không có tình trạng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu xin tạm ngừng kinh doanh. Nguồn cung xăng dầu trên địa bàn cơ bản ổn định, không thiếu.
Liên quan đến thông tin một số đơn vị phản ánh nguồn cung khan hiếm đối với một số cửa hàng, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam – cũng cho biết, không ghi nhận cửa hàng nào đóng cửa. Qua kiểm tra các đầu mối, hiệp hội đánh giá tổng nguồn cung bảo đảm phục vụ thị trường trong nước. Tuy nhiên, vấn đề nổi lên hiện nay là mức chiết khấu của các thương nhân đầu mối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Ổn định thị trường, đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thời gian qua, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt bằng những biện pháp như là giao chỉ tiêu tăng thêm đối với các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu; uốn nắn, nhắc nhở các doanh nghiệp, thương nhân có chức năng phân phối, cửa hàng bán lẻ các vấn đề về việc chấp hành pháp luật; tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chấn chỉnh kịp thời.
“Vì thế, tình hình xuất nhập khẩu phân phối, kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước đã ổn định trở lại. Điều đó chứng tỏ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các biện pháp quản lý, điều hành của Chính phủ, của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, những ngày gần đây, từ dư luận (mạng xã hội) và theo phản ánh từ một số địa phương và đơn vị kinh doanh xăng dầu cho rằng, vừa qua, thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra toàn bộ doanh nghiệp đầu mối có chức năng xuất nhập khẩu xăng dầu trên phạm vi toàn quốc có phát hiện những sai phạm và phải áp dụng khung hình phạt bổ sung là tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động nhập khẩu xăng dầu gây ảnh hưởng nhất định tới nguồn cung. Mặt khác, lại có ý kiến cho là chiết khấu hệ thống đến các cơ sở bán lẻ có chiết khấu bằng không nên các cơ sở kinh doanh càng bán càng lỗ vì thế, hạn chế mở cửa hàng, hạn chế bán ra thậm chí tạm ngừng kinh doanh mà không có lý do chính đáng. “Đây là những thông tin không chính xác, không bình thường, rất có thể có một sự kích động, lôi kéo, bóp méo thông tin, gây rối tình hình, méo mó thị trường, náo loạn xã hội”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và cho rằng, việc thanh tra xăng dầu là vô cùng cần thiết, qua thanh tra những đơn vị sai phạm nhất định phải xử lý theo quy định. Không thể viện lý do bị tạm rút giấy phép, chiết khấu thấp mà để đứt nguồn cung trong khi giá xăng dầu giảm và ổn định. Hiện tại, nguồn cung trong nước là vô cùng dồi dào, đơn cử sản lượng của hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đã đáp ứng tới 80% nguồn xăng dầu của cả nước nên lượng xăng dầu nhập khẩu 20% tương ứng với 400.000 m3 là con số bình thường. Những doanh nghiệp bị rút giấy phép trong thời gian vừa qua cũng không có những hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu nên không thể ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.
“Có 2 điều cần khẳng định tại cuộc họp hôm nay, một là, từ đầu năm tới nay Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu; hai là, bằng mọi cách, Bộ Công Thương sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Trong thời gian tới, để khẩn trương ổn định tình hình dư luận và giữ ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đồng chí lãnh đạo các địa phương, các Bộ, ngành và yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, lực lượng quản lý thị trường của các tỉnh, thành phố thực hiện những nhiệm vụ sau:
Một là, Vụ thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu chủ trì phối hợp với Thanh tra Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục quản lý thị trường và Sở Công Thương của các địa phương cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, kịp thời, khách quan, chính xác về những quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Nhà nước, chủ chương, chính sách của Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan trong vấn đề quản lý, xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước để nhân dân được biết và nhân dân ủng hộ, đập tan những thông tin xuyên tạc sai sự thật. Trong thông tin cần nhấn mạnh, nhờ những kết quả thực thi, chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước nên tình hình kinh doanh xăng dầu ổn định, nguồn cung chưa bao giờ thiếu, giá cả luôn thấp hơn so với khu vực và thế giới; môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng nhờ có các đoàn thanh kiểm tra và giám sát của các cơ quan chức năng và xã hội. Qua thanh tra ban đầu với các đơn vị xuất nhập khẩu, thấy cái sai cần xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, xăng dầu là mặt hàng có tính chiến lược trên phạm vi toàn cầu, vì thế, kinh doanh mặt hàng này phải chấp nhận rủi ro bởi biến động của thị trường thế giới. Người dân không nên vô tình ủng hộ cái sai của đơn vị làm sai trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nếu người dân phát hiện các đơn vị vi phạm có thể phản ánh với cơ quan chức năng. Mọi hành vi vi phạm pháp luật trong việc kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu hoặc tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận đều bị xử lý theo pháp luật nhằm tạo sự công bằng và minh bạch. Đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông từ trung ương đến địa phương đưa tin về những nội dung này theo hướng tích cực, khách quan, chính xác, kịp thời và có sự đối chứng.
Hai là, yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Tổng cục Quản lý thị trường và cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố. Đồng thời, đề nghị UBND, Sở Công Thương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên như Hội bảo vệ người tiêu dùng, các Hiệp hội, Ngành hàng nhất là Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tại các tỉnh thành phố trong cả nước sẽ chấn chỉnh ngay các hoạt động quản lý trong phạm vi và thẩm quyền trách nhiệm của mình. Chú trọng triển khai ngay các lực lượng thanh tra, kiếm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là giám sát các hoạt động của thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ trên phạm vi cả nước. Nếu phát hiện sai phạm như: dừng hoạt động kinh doanh không có lý do chính đáng; bán hạn chế về số lượng và thời gian trong ngày; các sai phạm khác thì căn cứ theo quy định của pháp luật tiến hành xử lý và đề xuất xử lý kiên quyết, đúng luật, công khai trên cái phương tiện thông tin đại chúng.
Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc cố ý vi phạm nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn hoặc ở mức cao thì đề nghị xử lý theo quy định của luật hình sự. Đề nghị UBND các tỉnh thành phố. các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vận chuyển, lưu thông xăng dầu trên phạm vi cả nước và trên từng địa bàn để tránh tình trạng đứt gãy.
Ba là, trước tình hình nhiễu loạn thông tin và có thể có sự đứt gãy bất thường về nguồn cung xăng dầu do thông tin không chính xác trên địa bàn cả nước và một số tỉnh, thành phố, Bộ Công Thương chính thức đề nghị Bộ Công an và Công an các địa phương, các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc để nắm tình hình, điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật. Bộ Công thương đề nghị các Bộ, ngành Tài chính, Ngân hàng và các ngành hữu quan quan tâm xem xét những kiến nghị, đề xuất chính đáng của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và đề xuất của Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua, đó là nghiên cứu xem xét mức phí đưa xăng dầu về Việt Nam để bảo đảm các doanh nghiệp mà đưa lượng xăng dầu về nước không chịu gánh phí quá cao; nâng mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu trong cấu thành giá của mặt hàng xăng dầu, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là đơn vị bán lẻ và thương nhân phân phối không bị thiệt; đề nghị ngân hàng xem xét nới trần tín dụng đối với những doanh nghiệp thực chất có hoạt động nhập khẩu xăng dầu, nhất là những doanh nghiệp được Bộ Công thương giao tăng thêm chỉ tiêu nhập khẩu xăng dầu để phục vụ bổ sung vào nguồn cung xăng dầu trong nước.
Bộ Công Thương giao cho Vụ Thị trường trong nước Cục Xuất nhập khẩu, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Tổng cục quản lý thị trường và Quản lý thị trường các địa phương nghiêm túc tiếp thu ý kiến và tổng hợp ý kiến của người dân, các cơ quan quản lý, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các Hiệp hội và các đơn vị trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu về những vấn đề liên đến quản lý, những quy định của pháp luật hay là những cơ chế hiện hành mà không còn phù hợp để nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh hoặc thay thế.
Bốn là, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng Việt Nam, các Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính trên phạm vi cả nước hãy ủng hộ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, gương mẫu và nghiêm túc chấp hành luật pháp, chấp hành chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan cũng như chính quyền các địa phương thể hiện rõ quan điểm, không đồng tình với những dư luận, với những thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn xã hội.
Đồng thời, tất cả các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ cần chủ động nguồn cung cho mình theo quy định để trong mọi tình huống không được để xảy ra đứt gãy hoặc thiếu nguồn cung, duy trì mức dự trữ thương mại theo quy định.
Đề nghị Hiệp hội xăng dầu và các Tổng Công ty có chức năng xuất nhập khẩu và các Tổng Công ty có chức năng phân phối và thương nhân phân phối hãy chia sẻ quyền lợi một cách chính đáng để có tỉ lệ chiết khấu hợp lý đối với các đơn vị của mình.
Năm là, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên từ Trung ương đến địa phương, các hiệp hội kinh doanh xăng dầu của cả nước cũng như các địa phương, Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng các cấp tăng cường giám sát các hoạt động quản lý xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước, bảo đảm đúng pháp luật, đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, khách quan, công bằng để tạo ổn định xã hội.