Phần Lan công bố chiến dịch tiết kiệm năng lượng "Giảm một độ"
Phần Lan là quốc gia có khí hậu lạnh với mùa Đông dài khiến việc sưởi ấm các tòa nhà chiếm khoảng 1/3 năng lượng tiêu thụ. Theo Helsingin Sanomat, khoảng 61% năng lượng tiêu thụ của các hộ gia đình bắt nguồn từ hệ thống sưởi và 16% từ nước ấm. Ngược lại, nước ấm có thể chiếm tới 30 - 40% chi phí sưởi ấm.
Theo một thông cáo báo chí do Bộ Kinh tế và Việc làm quốc gia này đưa ra, chiến dịch kêu gọi tất cả người dân sống ở Phần Lan thực hiện tiết kiệm năng lượng. Mục tiêu, ít nhất 75% người Phần Lan giảm mức tiêu thụ năng lượng của họ.
Ông Mika Lintila - Bộ trưởng Bộ Kinh tế cho biết trong thông cáo báo chí: "Cần có những hành động tiết kiệm năng lượng cụ thể từ các công ty, cộng đồng và cá nhân trong mùa Thu Đông năm nay. Nếu mỗi người Phần Lan thực hiện những thay đổi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, thì hiệu quả tổng hợp là rất lớn”.
Theo Bộ Kinh tế và Việc làm, chiến dịch sẽ chính thức thực hiện vào ngày 10/10, sau khi thời tiết hạ nhiệt và mùa lạnh bắt đầu. Các hành động cụ thể của chiến dịch bao gồm cam kết lái xe với tốc độ thấp hơn trên đường, đặt nhiệt độ phòng thấp hơn và tiết kiệm nước nóng.
Đài phát thanh và truyền hình quốc gia (Yle) cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Phần Lan kêu gọi toàn dân tiết kiệm năng lượng, mà một chiến dịch tương tự đã được thực hiện trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào năm 1973. Lúc đó, chính phủ đã kêu gọi hạ thấp nhiệt độ trong nhà, giảm bớt ánh sáng quảng cáo và tốc độ giao thông đường bộ giảm xuống 80 km/h. Chiến dịch đã dẫn đến việc tiêu thụ dầu giảm hơn 10%.
Xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi tình hình năng lượng ở châu Âu. Sự thiếu hụt và giá cả tăng cao của năng lượng có tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân các nước. Nhiều nước EU đã hành động để hạn chế tiêu thụ năng lượng.
Vào tháng 7 năm nay, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên đang diễn ra và nó có thể trở nên tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970.
Tuy nhiên, vào khoảng thời gian này, các nhà chức trách hy vọng việc thay đổi hành vi để giảm mức sử dụng năng lượng sẽ trở thành một thói quen lâu dài, nhằm chống lại cuộc khủng khoảng có thể kéo dài trong tương lai. Thêm vào đó, nó sẽ giúp mở ra sự trung hòa về khí hậu nhanh hơn.