Tiết kiệm năng lượng được coi như “nguồn năng lượng đầu tiên”
Chia sẻ tại tọa đàm: "Tiết kiệm năng lượng: Giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng" do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Hội Khoa học và Công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 18/5, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, tính đến hết Quý I/2022, năng lượng điện đã tăng trưởng 7,3%, gần gấp đôi so với năm 2020 nhưng do biến động thời tiết nên tăng trưởng tháng 4/2022 thấp (6,3%) so với Quý I/2022.
Đáng chú ý, lượng điện ở TP Hồ Chí Minh tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó giá than khoảng 270 USD/tấn, gấp 3 lần so với năm ngoái; giá xăng dầu, khí cũng tăng lên, chi phí đầu vào đang là thách thức với vận hành hệ thống điện của EVN.
Mặc dù công suất sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam đứng đầu ASEAN, nhưng khi thời tiết biến động đã bị ảnh hưởng. Có nhiều ngày mặt trời hay gió không phát huy được.
Chẳng hạn như ngày 19/3, thời điểm này toàn quốc không có gió, chỉ có 15 MW được phát trên hệ thống điện. Đây là những tính chất đặc biệt và bất định của năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Tuy nhiên, cần khẳng định thời gian qua, năng lượng tái tạo vẫn đóng vai trò chủ chốt trong đảm bảo nguồn cung điện trong nước.
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được coi là giải pháp quan trọng đòi hỏi sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước cũng như ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp
Đáng chú ý, theo lãnh đạo EVN, lo ngại nhất là việc giá nhiên liệu đang tăng, giá xăng dầu cũng biến động, giá khí cũng tăng, nên chi phí đầu vào đang là vấn đề rất thách thức của EVN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, phương thức vận hành hệ thống điện đã và đang chuyển đổi mạnh nên nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt càng ngày càng cao khiến công suất tiêu thụ điện lập kỷ lục mới. Hay nói cách khác, thành phần sinh hoạt đang quyết định giờ cao điểm tiêu thụ điện năng.
“Từ khi điện mặt trời và điện gió tham gia vào hệ thống điện, giờ cao điểm đã bị lệch so với thời điểm trước. Nếu như trước đây, khung giờ cao điểm trưa từ 11 giờ - 13 giờ, thì hiện khung giờ cao điểm đã lệch sang từ 14 giờ - 16 giờ. Đồng thời, xuất hiện thêm các khung giờ cao điểm từ 17 giờ - 19 giờ và 20 giờ 30 phút - 22 giờ”, ông Võ Quang Lâm cho hay.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cho rằng, du lịch và dịch vụ đang phục hồi, chuỗi sản xuất công nghiệp cũng sẽ phục hồi, do đó cần đưa ra kịch bản tăng trưởng điện năng 8 - 12% vào cuối năm 2022, khi tất cả dịch vụ, sản xuất hoạt động hoàn toàn bình thường. Trong khi đó, chuỗi dự án năng lượng tái tạo đa phần tập trung ở miền Trung, trong khi nền tảng truyền tải chưa đáp ứng được nhu cầu đủ từ miền Trung ra miền Bắc.
Đáng lo ngại, việc sản xuất than, dầu khí nội địa khó khăn, chi phí đắt đỏ, thị trường quốc tế giá cao, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn nên thường chọn xuất khẩu. Do đó, nếu không có vai trò nhà nước ở đây sẽ không thể kiểm soát được chi phí sản xuất điện.
“Việc thiếu nguồn năng lượng sơ cấp hy vọng sẽ được giải quyết trong ngắn hạn, khi EVN và Bộ Công Thương phối hợp giải quyết, nhưng về dài hạn, nguy cơ thiếu là khá lớn”, ông Hà Đăng Sơn dự báo.
Huy động nguồn điện tối ưu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn cung sơ cấp không đảm bảo, để đủ điện cho mùa nắng nóng, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm năng lượng. Bởi, làm tốt được điều này sẽ làm giảm áp lực cung ứng điện, tăng được hiệu quả chung của nền kinh tế.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) |
Ông Trịnh Quốc Vũ cũng cho rằng, việc tăng cường mua điện từ các quốc gia láng giềng, thúc đẩy lưới điện Asean là những biện pháp lâu dài, còn trước mắt cần huy động nguồn điện tối ưu. Hiện, cường độ năng lượng điện rất cao, tạo ra GDP cao hơn các quốc gia khác đến 4 - 5 lần, do đó cần tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.
Để làm được điều này, ông Vũ kiến nghị, Việt Nam cần cần tăng chuyển dịch cơ cấu ngành sản xuất sang sản xuất xanh hơn (ví dụ chuyển dịch sản xuất sắt, thép, xi măng sang sản xuất linh kiện, phát triển du lịch). Song song đó, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng hiệu quả sử dụng năng lượng,đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng năng lượng của người dân, doanh nghiệp.
Đề cập về giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, EVN đang tập trung vào 2 nhóm giải pháp.
Thứ nhất về vận hành, trong quý IV/2021, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), các nhà máy điện thuộc tập đoàn, đồng thời đề nghị đối tác, nhà máy điện BOT, nhà máy điện lọc dầu rà soát, đảm bảo việc sửa chữa xong trong Quý I/2022 để đảm bảo lượng điện cho tiêu dùng, sản xuất. Cùng với đó, rà soát lưới điện của các địa phương, đảm bảo được sửa chữa, đầu tư xây dựng trong hết Quý I/2022.
Thứ hai, đối với nhóm nguồn điện bổ sung, trong bối cảnh xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng phụ tải điện: Kịch bản 1 - ở mức 8,3%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh; Kịch bản 2 - ở mức 12,4%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt hơn 286 tỷ kWh.
“Mỗi người dân phải là người tiêu dùng điện thông minh và cần nêu cao trách nhiệm phải tiết kiệm, như vậy vừa giảm áp lực cho bên cung, vừa giảm được chi phí cho tiêu thu điện. Tiết kiệm năng lượng được coi như “nguồn năng lượng đầu tiên”, ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh và kiến nghị, về phía Bộ Công Thương cần nghiên cứu mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu để hỗ trợ thời điểm năng lượng tái tạo không thể đáp ứng nguồn điện bổ sung.