Phối hợp, quyết tâm chống hàng giả
Thách thức trong công tác chống hàng giả
Những năm trở lại đây, cùng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, Việt Nam trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn cho các loại thương hiệu, sản phẩm và hàng hoá trong và ngoài nước.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản như tình hình sản xuất ngày một phát triển, hàng hoá đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước, gây thất thu ngân sách, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và gây hoang mang, mất lòng tin đối với người tiêu dùng.
Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo, định hướng cụ thể, các đơn vị thực thi pháp luật vào cuộc quyết liệt, kịp thời nên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Mặc dù vậy, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn âm thầm diễn ra, với nhiều hình thức và phương pháp ngày càng tinh vi gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật.
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê chia sẻ về những nguyên nhân của vấn nạn hàng giả, hàng nhái và đề xuất một số giải pháp ngăn chặn vấn nạn này |
Chỉ ra nguyên nhân của vấn nạn này tại Toạ đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt", ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tồn tại phức tạp, tinh vi, bởi, lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là rất lớn. Bên cạnh đó, vấn đề dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu gây khan hiếm hàng hóa, các đối tượng lợi dụng nguồn cung hàng thật bị hạn chế, đơn vị sản xuất bị ảnh hưởng thì các đối tượng đã đưa ra sản phẩm hàng giả ngày càng nhiều hơn.
Thứ hai, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn còn hiện tượng người tiêu dùng chưa nhận thức hết tác hại của việc mua, sử dụng hàng giả, hàng nhái, ham rẻ. Thứ ba, hiện nay nền tảng thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ tư, sự vào cuộc của doanh nghiệp, cơ quan chức năng liên quan có lúc, có nơi chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suốt. Thứ năm, hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, chồng chéo, dẫn đến việc khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng; chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm
Chung quan điểm này, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, tạo ra nhiều hệ lụy xấu cho doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến tính mạng, tài sản và quyền lợi người tiêu dùng, xa hơn nữa là tác động xấu tới toàn xã hội.
Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái trên thị trường sẽ tăng đột biến. “Nguyên nhân tồn tại của vấn nạn hàng giả, hàng lậu trong thị trường nội địa có lẽ là do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, còn có biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho hành vi vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Quang Vinh cho hay.
Đồng lòng, phối hợp đấu tranh chống hàng giả
Đưa ra một số giải pháp chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê cho rằng, bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đặt mục tiêu đến năm 2025, không để hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bày bán tại Trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi…
Mục tiêu thứ hai là đến năm 2025, 100% làng nghề không được phép sản xuất, bán công khai các sản phẩm hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó là các tuyến phố du lịch tuyệt đối xóa bỏ bán hàng giả, hàng nhái. Không để Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế là nơi ngang nhiên bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
“Công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu là rất khó khăn. Nếu doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức, cơ quan chức năng không thống nhất, đồng lòng phối hợp thì việc đấu tranh còn nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đức Lê khẳng định.
Cần sự chung tay của doanh nghiệp, người tiêu dùng, cơ quan thực thi trong công tác chống hàng giả |
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam Nguyễn Triết kiến nghị, thời gian tới, lực lượng chức năng đặc biệt là lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra các điểm bán buôn, bán lẻ thuốc lá nhập lậu để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cần ra quân đồng loạt xử lý kiên quyết, triệt để các cửa hàng bày bán thuốc lá lậu, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động để răn đe, ngăn ngừa các đối tượng dễ bị lôi kéo vào việc vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá nhập lậu. Từ đó giúp thay đổi nhận thức, hành vi của người vi phạm, về lâu dài sẽ có tác động tích cực hơn trong công tác phòng chống thuốc lá lậu, giảm thất thu ngân sách Nhà nước và đảm bảo an ninh trật tự xã hội.