Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi)
Chính sách trong Luật Điện lực (sửa đổi) rất cấp thiết để thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào các dự án nguồn điện.
Luật Điện lực năm 2024 thay thế Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần vào các năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024), sau gần 20 năm triển khai thi hành. Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2025.
Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 Chương, 81 Điều, đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật Điện lực năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.
Trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi, nhiều chuyên gia cho rằng việc sửa đổi Luật Điện lực là vấn đề mang tính cấp bách và cần sớm được thông qua nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội theo những mục tiêu chiến lược mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, đồng thời phù hợp với định hướng zero carbon toàn cầu mà Việt Nam đã cam kết.
Trước đó, theo nội dung tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2023, Chính phủ yêu cầu: “Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo hướng trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8, tháng 10 năm 2024). Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung tối đa nguồn lực, khẩn trương tổ chức soạn thảo dự án Luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng”.
Để đảm bảo tiến độ Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã chủ động thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng Luật. Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thành lập theo Quyết định số 462/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương, gồm 47 thành viên đến từ một số Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương; các Bộ, ngành, địa phương và chuyên gia đến từ một số hiệp hội, Sở Công Thương và doanh nghiệp.