Quốc hội thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi)
Luật Dầu khí (sửa đổi) hài hòa giữa lợi ích quốc gia với các nhà đầu tư Luật Dầu khí sửa đổi: Lợi ích quốc gia, dân tộc được đặt lên hàng đầu |
Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy: Có 472 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua luật; chiếm 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy Luật Dầu khí (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật được tiến hành nghiêm túc, cầu thị. Theo đó, dự thảo luật gồm 11 chương, 69 điều, quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác tận thu với mỏ dầu khí
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Giải trình thêm về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu (Điều 55 dự thảo luật), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có một số ý kiến nhất trí chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu để nâng cao hiệu quả của hoạt động này, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam; đề nghị Chính phủ sớm quy định chi tiết nội dung này như dự thảo luật, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Đây là chính sách mới của dự thảo luật với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng nội dung này; Chính phủ cũng đã có Báo cáo số 452/BC-CP ngày 8/11/2022 tiếp theo Báo cáo số 415/BC-CP báo cáo ý kiến thống nhất với nội dung dự thảo luật.
Để bảo đảm rõ ràng, dự thảo luật đã bổ sung một điều khoản quy định về Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế điều hành hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí. Tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí đã có quy định về nội dung chính của quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp này.
Tuy nhiên, để hoàn thiện căn cứ pháp lý đầy đủ cho hoạt động khai thác tận thu dầu khí, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục hoàn thiện nội dung này tại dự thảo nghị định và rà soát, ban hành các văn bản dưới luật khác có liên quan, trong đó chú trọng các quy định nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí.
Cùng với đó, đề nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng, ban hành, hướng dẫn về định mức chi phí, định mức kinh tế, kỹ thuật cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp chặt chẽ và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền, xây dựng và ban hành các văn bản khác có liên quan.