Quy định xây dựng, ban hành VBQPPL của Bộ Công Thương
Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục lập đề nghị, dự kiến Chương trình xây dựng VBQPPL; soạn thảo, thẩm định, ban hành, hợp nhất, pháp điển VBQPPL và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về VBQPPL do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền.
VBQPPL quy định tại Thông tư này bao gồm: Luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Việc xây dựng, ban hành thông tư về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực công thương thực hiện theo quy định của pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật và quy định tại Thông tư này.
Việc xây dựng, ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 110 của Luật.
Thông tư nêu rõ, Bộ trưởng chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng, thẩm định và ban hành VBQPPL của Bộ Công Thương.
Các Thứ trưởng chỉ đạo công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL; chỉ đạo, đôn đốc đối với đơn vị chủ trì soạn thảo về tiến độ, nội dung, các vấn đề phức tạp, các vấn đề còn ý kiến khác nhau đối với dự thảo VBQPPL và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc đảm bảo tiến độ và chất lượng soạn thảo VBQPPL trong lĩnh vực được phân công phụ trách.
Lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết
Theo Thông tư quy định, việc lập đề nghị xây dựng VBQPPL theo quy định tại các Điều 9, 10, 11, 12 Thông tư này áp dụng đối với: Luật của Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trước khi triển khai việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, các đơn vị thuộc Bộ phải tiến hành các hoạt động sau đây:
Tổng kết việc thi hành pháp luật có liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng văn bản;
Tổ chức, nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan để hỗ trợ cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh;
Xây dựng nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; đánh giá tác động của chính sách;
Dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua;
Xác định rõ thời gian chuẩn bị hồ sơ, thời gian tổ chức lấy ý kiến, thời gian gửi Bộ Tư pháp thẩm định, thời gian trình Chính phủ xem xét, thông qua.
Hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết
Thông tư quy định, đơn vị lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết gồm các tài liệu quy định tại Điều 37 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trường hợp đề nghị xây dựng văn bản có nội dung về thủ tục hành chính thì đơn vị lập đề nghị bổ sung các tài liệu theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
Trường hợp đề nghị xây dựng văn bản có đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh thì đơn vị lập đề nghị bổ sung các tài liệu theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
Việc xây dựng nội dung chính sách và đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định số 34/2016/NĐ-CP .
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2024.