Quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ dự án đường dây 500kV mạch 3
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp. |
Ngày 16/2, Bộ Công thương họp đánh giá, kiểm điểm tiến độ Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng chủ trì cuộc họp.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, thay mặt Ban Chỉ đạo Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chủ đầu tư thực hiện được nhiều công việc.
Cụ thể, 91% vị trí móng cột đã được bàn giao cho chủ đầu tư và nhà thầu; công tác thi công được triển khai đồng loạt trên toàn tuyến; nhiều khó khăn, vướng mắc cũng đã được các đơn vị phối hợp giải quyết; các đơn vị thi công cũng thực hiện đúng tinh thần cam kết với Thủ tướng “vượt nắng, thắng mưa, làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên Lễ Tết”.
Tuy nhiên, với tinh thần thẳng thắn và cầu thị, có thể thấy so với cam kết của các Bộ, ngành, địa phương với Thủ tướng vẫn còn khoảng cách khá xa. Do đó, nếu các đơn vị không quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để thực hiện đúng cam kết của chính mình sẽ rất khó đưa dự án về đích đúng tiến độ đề ra.
Đặc biệt, hiện dự án vẫn còn 105 mặt bằng chưa được bàn giao; 99 vị trí đã bàn giao nhưng vẫn còn vướng mắc về thủ tục hoặc chưa có đường vận chuyển máy móc thiết bị,… Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ của địa phương, chủ đầu tư sẽ không thể hoàn thành các công việc này.
Để đạt đúng tiến độ đưa dự án vào hoạt động trước ngày 30/6 theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát công việc Thủ tướng giao, tập trung phối hợp giải quyết ngay trong tháng 2 này. Những vướng mắc về mặt bằng hố móng, mặt bằng thi công, thủ tục hành chính cần phải được nhanh chóng tháo gỡ, giúp chủ đầu tư và nhà thầu tiến hành thi công dự án.
Vấn đề vướng mắc lớn nhất hiện nay là chuyển đổi đất rừng, Bộ trưởng hoan nghênh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/NĐ-CP. Nhưng kể cả khi Nghị định mới được phê chuẩn trong vài ngày tới, theo quy định vẫn phải chờ tối thiểu thêm 45 ngày nữa mới có hiệu lực và như vậy dự án sẽ chậm tiến độ. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm báo cáo chi tiết Chính phủ để xem xét, có quyết sách triển khai sớm các quy định trong Nghị định mới ngay sau khi ký.
Các địa phương chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng vị trí hố móng, hoặc bàn giao rồi nhưng còn vướng mắc vẫn chưa thể thi công,… cần gấp rút hoàn thiện, bàn giao mặt bằng trước ngày 20/2 cho chủ đầu tư và nhà thầu; bàn giao toàn bộ mặt bằng hành lang tuyến chậm nhất ngày 15/3. Mốc này thực tế đã lùi so với chỉ đạo của Thủ tướng ít nhất 10-15 ngày, nên các địa phương cần thật sự quyết tâm để hoàn thành đúng tiến độ.
Bộ trưởng cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam phối hợp Hội đồng Đền bù giải phóng mặt bằng các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhanh chóng xử lý, giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng đất trồng cao su.
EVN và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) khẩn trương cung cấp hồ sơ có liên quan để các địa phương xây dựng phương án đền bù giải phóng mặt bằng; bắt tay vào thi công ngay những vị trí đã có mặt bằng, đủ điều thi công, đạt tiến độ đề ra; sớm hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu với các gói thầu còn lại ngay trong tháng 2, nhất là lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị lõi quan trọng của dự án; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình triển khai dự án; thường xuyên kiểm tra sát sao, bảo đảm về chất lượng công trình, chú ý an ninh an toàn thi công, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng môi trường cũng như đời sống người dân nơi có dự án đi qua.
Các đơn vị cần làm tốt công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân, xã hội đối với dự án; không chỉ nhận được sự ủng hộ trong quá trình thi công, mà sau này người dân sẽ giúp bảo vệ khi dự án khi đã đi vào vận hành, phát huy hiệu quả.
Báo cáo tại cuộc họp, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện công tác bàn giao vị trí cột đạt 91%; phần hành lang tuyến đạt 25%; toàn bộ dự án có 226 gói thầu, đến nay cơ bản đã được ký hợp đồng (chỉ còn 4 gói thầu đang tiến hành nốt thủ tục trong vài ngày tới).
Hiện còn 405 vị trí chưa bàn giao mặt bằng; 99 vị trí đã bàn giao nhưng chưa thi công do vướng mắc; hành lang tuyến mới có một số địa phương bàn giao.Vướng mắc lớn nhất hiện nay là thủ tục chuyển đổi đất rừng, đường tạm phục vụ thi công của từng dự án thành phần; trong công tác thi công hiện gặp khó khăn về huy động máy móc thiết bị;...
Theo Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn, khối lượng công việc còn rất lớn, trong khi thời gian không còn nhiều, do đó EVN kiến nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho phép các địa phương giải quyết nhanh một số thủ tục còn đang vướng mắc trong luật mà không cần đợi sửa Nghị định 156/NĐ-CP; đề nghị các địa phương thực hiện triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp, hỗ trợ bàn giao mặt bằng các vị trí thi công và hành lang tuyến.