Rau quả nội địa ùn ứ, nhập khẩu Trung Quốc tăng mạnh
Nhập khẩu tăng 16,4%
Mới đây, ngày 15.9, chính quyền TP. Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) có thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua điểm xuất hàng tại cầu phao tạm hàng Km 3+4 (P.Hải Yên, TP.Móng Cái) kể từ 15 - 21.9.
Lý do phía chính quyền TP.Đông Hưng đưa ra là trong quá trình kiểm soát, lực lượng y tế địa phương này phát hiện trên bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam qua cửa khẩu cầu Bắc Luân II và khu chợ biên mậu dương tính với SARS-CoV-2.
Mặc dù hôm nay (ngày 22.9), thông tin từ UBND TP.Móng Cái cho biết, mặt hàng thanh long sau 1 tuần bị tạm ngừng đã được thông quan trở lại qua lối mở cầu phao Km3+4 Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, nhưng những sự việc như vậy nếu tiếp tục xảy ra sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp.
Trong khi rau quả Việt Nam gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc thì ngược lại, rau quả Trung Quốc nhập khẩu vào nước ta lại tăng mạnh.Theo số liệu của Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, trong tháng 8 hoa quả, nông sản Việt Nam xuất khẩu liên tục bị gây khó dễ trong khi các mặt hàng này nhập từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng là 34,996 triệu USD.
Tại cửa khẩu đường bộ quốc tế số 2 Kim Thành (Lào Cai) , chỉ riêng ngày 14/9 có trên 350 xe rau, củ Trung Quốc được đưa vào Việt Nam, tổng cộng khoảng 3.200 tấn. Tuy nhiên, chiều ngược lại, tổng lượng rau củ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chưa đến 200 tấn.
Thanh long liên tục bị gây khó dễ khi xuất sang Trung Quốc |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản tháng 8 giảm rất mạnh, tới 19,2% so với tháng 7 và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng nhập khẩu rau quả đã tăng tới 16,4% trong 8 tháng qua.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN - cho rằng, do các quy định kiểm soát, phong tỏa phòng dịch Covid-19 khiến lưu rau quả nông sản Việt Nam gặp khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ vô tình tạo ra cơ hội và lợi thế cho hàng Trung Quốc tràn vào chiếm lĩnh thị trường ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cho biết, hiện chỉ có 4/12 cửa khẩu của Lạng Sơn hoạt động và đã bắt đầu có tình trạng ùn ứ trong khi lượng hàng hóa tiếp tục dồn về, tạo áp lực rất lớn cho địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố có hàng nông sản lưu thông đến các cửa khẩu của Lạng Sơn chủ động thông báo cho doanh nghiệp để cơ cấu lại hàng hóa, tránh ùn ứ..
Theo Bộ Công Thương, các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở cả 2 bên biên giới Việt - Trung đã làm bộc lộ những bất cập của xuất khẩu nông thủy sản, rau quả theo hình thức "trao đổi cư dân". Bộ đã đưa rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc vào danh sách “nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu”.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phản ánh, do buôn bán tại chợ nên việc quản lý chợ hoàn toàn tùy thuộc vào chính quyền địa phương của Trung Quốc, không thể can thiệp theo hiệp định quốc tế hay thông lệ quốc tế. Chợ có thể đóng, có thể mở, lúc cho nhập hàng ban ngày, lúc cho nhập hàng ban đêm dẫn đến bị động và rủi ro lớn cho các loại nông thủy sản xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân.
Để tháo gỡ khó khăn cho nông sản, rau quả Việt Nam trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Tài chính, hiệp hội doanh nghiệp trong đàm phán, cung cấp các thông tin thị trường…; chủ động đưa các vấn đề về đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật liên quan đến thị trường nông sản; chủ động, tăng cường trao đổi, đàm phán với các thị trường nhập khẩu chính về việc tạo thuận lợi trong thủ tục thông quan hàng hóa nông sản…