Sắp diễn ra Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam 2023
Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 sẽ diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11 tới tại nhiều địa điểm ở Hà Nội. Những hoạt động của Festival sẽ góp phần tạo nên không gian giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước. Từ đó, từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề.
Festival lần này được xây dựng với nhiều điểm mới, nổi bật như lần đầu tiên tổ chức vinh danh khoảng 100 nghệ nhân, thợ giỏi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham gia của đông đảo các đoàn khách, gian hàng quốc tế. Cụ thể, trong hơn 300 gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP có 20 gian hàng quốc tế.
Lễ khai mạc Festival được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, nơi hội tụ, kết tinh những giá trị lịch sử, văn hóa cao quý nhất (dự kiến tối 9/11), với khoảng 300 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, thành phố Hà Nội và các địa phương; đại diện một số tổ chức quốc tế, các nghệ nhân, thợ giỏi được vinh danh và tham gia hội chợ. Trong đó, nổi bật là lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên và tái hiện lễ rước tổ nghề tại một số làng nghề truyền thống Việt Nam (dự kiến tái hiện lễ rước tổ nghề làng nghề giày da Hoàng Diệu-Hải Dương và làng nghề lụa Vạn Phúc-Hà Đông).
Trước đó, Tuần văn hóa du lịch - thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - năm 2023 có chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu hội nhập”, cũng diễn ra từ ngày 26/10 đến 2/11 tại nhiều điểm đến di sản, giao lưu văn hóa ở địa phương, nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá nét đẹp văn hóa làng nghề truyền thống; tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại du lịch, du lịch trải nghiệm và phát triển ngành nghề, góp phần nâng cao vị thế mảnh đất, văn hóa, con người Hà Đông - Hà Nội.
Sự kiện gắn với dịp kỷ niệm 20 năm thành lập phường, cùng các sự kiện nổi bật như: Lễ đón Bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề dệt Vạn Phúc; Lễ rước tôn vinh Tổ nghề và đón nhận Bằng công nhận đào sắc phong tại đình Vạn Phúc là tài liệu quý hiếm; Lễ đón bằng công nhận điểm đến du lịch Hà Nội.
Trong khuôn khổ sự kiện, còn có nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức, trong đó điểm nhấn là Chương trình “Duyên dáng lụa Hà Đông” với cụm hoạt động Hội thi sản phẩm làng nghề; trình diễn, giới thiệu mẫu thiết kế xuất sắc; sân khấu hóa các thao tác nấu kén, quay tơ, dệt lụa…
Cùng với đó là các chương trình: Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, liên hoan văn nghệ quần chúng, trưng bày ảnh đẹp về Vạn Phúc xưa và nay; hội thi vẽ tranh, trình diễn áo dài nhí, các trò chơi dân gian bịt mắt bắt vịt, tiếp sức quay tơ, phơi lụa, ném vòng cổ trai…, hứa hẹn mang đến cho công chúng Thủ đô và du khách trong ngoài nước những trải nghiệm đậm sắc màu văn hóa.
Bên cạnh các hoạt động tôn vinh, quảng bá văn hóa, xuyên suốt Tuần văn hóa là các hoạt động du lịch - thương mại tập trung tại Phố Lụa, Phố ẩm thực Cầu Am, phố hoa sinh vật cảnh - đồ cổ, đồ xưa… góp phần tăng sức hấp dẫn cho sự kiện.