Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Lễ hội đầu Xuân Quý Mão 2023
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, của người dân 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động; góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Hòa Bình. Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình hay còn gọi là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng - Lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình, gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của văn minh Việt cổ.
Để tạo ấn tượng tốt cho du khách khi đến thăm quan du xuân tại Hòa Bình, kịp thời xử lý những vấn đề về an toàn thực phẩm. Lực lượng Quản lý thị trường Hòa Bình đã triển khai ngay các công việc sau kỳ Tết Nguyên đán, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo các mặt hàng phục vụ trong lễ hội về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và thực hiện văn minh thương mại.
Đoàn công tác Cục QLTT tỉnh Hòa Bình đã làm việc với các Đội Quản lý thị trường trên địa bàn các huyện, thành phố đặc biệt các địa bàn tổ chức Lễ hội đầu xuân như: Lễ hội Mường Động, Mường Bi, Lễ hội Xên Mường, Lễ hội Chùa Tiên, Lễ hội Chùa Hang …
Qua giám sát tình hình tại Khu vực Lễ hội Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy các hoạt động kinh doanh hàng hoá, cung cấp dịch vụ phục vụ tại Khu vực Lễ hội về cơ bản đã đáp ứng theo yêu cầu của Ban Tổ chức và quy định của pháp luật, không xảy ra hiện tượng lợi dụng Lễ hội ép giá đối với du khách, các cơ sở kinh doanh thực hiện niêm yết giá công khai và cung cấp hàng hoá, dịch vụ đúng giá niêm yết.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Lễ hội đầu Xuân Quý Mão 2023 |
Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Khai hạ ở mỗi vùng Mường diễn ra thời gian và địa điểm khác nhau. Mỗi địa điểm diễn ra lễ hội đều gắn liền với lịch sử của các vị thần là người có công lập đất, lập mường. Lễ hội Khai hạ Mường Bi là hoạt động mang tính cộng đồng, gắn với các truyền thuyết: Quốc Mẫu Hoàng Bà, thân mẫu của Đức Thánh Tản - người đã chỉ dạy cho con dân Mường Bi cách làm ruộng, cách ăn, ở; Tản viên Sơn Thánh, con rể của Vua Hùng Vương thứ 18, người có công giúp vua chống giặc ngoại xâm, mang lại sự bình yên cho nhân dân; Ải Lý, Ải Lo - hai vị thần đã dạy cho con dân Mường Bi cách đào mương dẫn nước. Lễ hội Khai hạ Mường Vang, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình diễn ra ngày mồng 4 tháng Giêng tại Miếu Áng Ka và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú vào ngày mùng 7 tháng Giêng. Lễ hội Khai hạ Mường Thàng, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình tổ chức vào ngày mùng 5-6 tháng Giêng tại Miếu Cả. Tại vùng Mường Thàng, huyện Kim Bôi, Lễ hội Khai hạ được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 5 âm lịch (tức ngày mùng 4 tháng Tư theo lịch Mường Động) tại Miếu Mường Chanh.
Sau Tết là thời điểm các lễ hội diễn ra trên cả nước nói chung và Hòa Bình nói riêng, qua đó, người dân và du khách hiểu biết hơn về những giá trị văn hóa độc đáo, tình cảm, ý chí, khát vọng vươn lên xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Mường Hòa Bình. Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, ăn uống tại Khu vực các Lễ hội, Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo Đội Quản lý thị trường trên địa bàn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý các di tích tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ nhân dân vui xuân an toàn; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Trong quá trình kiểm tra, giám sát kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng./.