Tháng 2/2024 sẽ trình Chính phủ dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi
Cụ thể, tại Quyết định 90/QĐ-TTg, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Bộ Công an chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 1/2024; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 2/2024.
Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Luật thuế VAT (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 2/2024.
Ảnh minh họa |
Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 6/2024.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện rà soát đầy đủ các văn bản có liên quan để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và văn bản dự kiến ban hành.
Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; ngăn ngừa tình trạng quy định vận dụng tạo kẽ hở, "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm các giải pháp đã được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Chính phủ đúng thời hạn, tiến độ đã được phân công theo Quyết định này và chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng của dự án luật.
Bộ Tư pháp thẩm định bảo đảm chất lượng; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; hằng tháng có báo cáo gửi Chính phủ tại phiên họp thường kỳ về tiến độ chuẩn bị các dự án, dự thảo thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Dự thảo Luật thuế VAT (sửa đổi) Bộ Tài chính đang xin ý kiến các Bộ, ngành gồm 04 Chương, 16 Điều, cụ thể như sau: Chương I. Những quy định chung, gồm 05 điều (từ Điều 1 đến Điều 5). Chương II. Căn cứ và phương pháp tính thuế, gồm 07 điều (từ Điều 6 đến Điều 12). Chương III. Khấu trừ, hoàn thuế, gồm 02 điều (Điều 13 và Điều 14). Chương IV. Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 15 và Điều 16). Theo Bộ Tài chính, về cơ bản nội dung Luật vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. Theo đó, dự thảo Luật, giữ nguyên nội dung quy định tại 5 Điều của Luật thuế VAT hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); thuế VAT (Điều 2); đối tượng chịu thuế (Điều 3); căn cứ tính thuế (Điều 6); phương pháp tính thuế (Điều 9). Bỏ 1 Điều của Luật thuế VAT hiện hành quy định về hóa đơn, chứng từ (Điều 14). Sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 10 Điều của Luật thuế VAT hiện hành gồm: người nộp thuế (Điều 4); đối tượng không chịu thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 7); thuế suất (Điều 8); phương pháp khấu trừ thuế (Điều 10); phương pháp tính trực tiếp trên GTGT (Điều 11); khấu trừ thuế VAT đầu vào (Điều 12); các trường hợp hoàn thuế (Điều 13); hiệu lực thi hành (Điều 15); tổ chức thực hiện (Điều 16). Bổ sung 01 Điều quy định về thời điểm xác định thuế VAT. |