Thêm giải pháp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa đến Trung Quốc, Trung Á và châu Âu
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Đài Loan giảm hơn 15% so với cùng kỳ 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo Thêm ba nước được áp dụng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP |
Đầu tư 61 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng ga Cao Xá
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản phản hồi ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về đề nghị đầu tư nâng cấp hạ tầng ga Cao Xá (tỉnh Hải Dương) thành ga liên vận quốc tế.
Bộ Giao thông vận tải ủng hộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tự đầu tư 61 tỷ hạ tầng ga Cao Xá, cho phép tạm thời khai thác liên vận quốc tế.
Ga Cao Xá tại lý trình Km 50+ 870 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, gần với các khu công nghiệp như: Đại An, Cẩm Điền, Phúc Điền, Tân Trường, Ken Mark... Vị trí thuận lợi trong kết nối vận chuyển hàng hóa các khu công nghiệp, nhà máy có nhu cầu xuất nhập khẩu lớn nhưng hiện ga Cao Xá chỉ phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa.
Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất tổng công ty đầu tư giai đoạn 1 khoảng 61 tỷ đồng (không bao gồm giải phóng mặt bằng) để đầu tư các hạng mục: Cải tạo mặt bãi hàng hiện tại, đảm bảo diện tích bãi hàng 10.000m2; Xây dựng kho hàng (kho tạm); xây dựng hàng rào bảo vệ, hệ thống camera giám sát, hệ thống chữa cháy, chiếu sáng quang khu vực bãi hàng...
Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác với quy mô như trên, tổng công ty đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2 nâng cấp hoàn thiện tổ hợp khu ga Cao Xá với quy mô: Xây dựng mới một đường chứa toa xe; 4 đường xếp dỡ và lưu chứa toa xe; Xây dựng mới văn phòng hải quan, kho hàng 10.000m2, bãi hàng 28.600m2 cùng hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, camera giám sát và PCCC kèm theo... Tổng mức đầu tư dự kiến của giai đoạn này là 234 tỷ đồng.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá, ga Cao Xá nằm gần các khu công nghiệp, nhà máy có nhu cầu xuất nhập khẩu lớn, khả năng nối kết đường giao thông trong tỉnh Hải Dương và tới các tỉnh lân cận cơ bản thuận lợi; Trong khi tỉnh Hải Dương đã quy hoạch xây dựng Trung tâm Logistics tại khu vực ga Cao Xá. Do vậy, việc nghiên cứu nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt phục vụ vận tải ga Cao Xá thành ga liên vận quốc tế theo đề nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Hải Dương là cần thiết.
Đủ điều kiện khai thác chạy tàu liên vận quốc tế
Bộ Giao thông vận tải hoan nghênh Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tự tổ chức triển khai đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt phục vụ vận tải ga Cao Xá (giai đoạn 1) bằng các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp nhằm nâng cấp một số hạng mục trong ga Cao Xá để đủ điều kiện khai thác chạy tàu liên vận quốc tế.
Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật. Sau khi hoàn thành, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình đã đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.
"Sau khi đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt phục vụ vận tải ga Cao Xá, trường hợp đủ điều kiện khai thác liên vận quốc tế, giao Vụ Vận tải chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam tham mưu Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho phép ga Cao Xá được tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế theo quy định. Việc đầu tư mở rộng ga Cao Xá giai đoạn 2 sẽ được Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan nghiên cứu xem xét đầu tư trên cơ sở nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn vốn", văn bản nêu rõ.
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã gửi văn bản đến Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải đề xuất nâng cấp, cải tạo ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế, trong đó đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan số.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc tổ chức hoạt động vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tại Hải Dương sẽ cung cấp thêm giải pháp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á... lựa chọn phương thức rút ngắn thời gian vận chuyển bằng 2/3 so với đường biển truyền thống; thực hiện các thủ tục khai báo, xuất nhập khẩu hàng hóa ngay tại tỉnh.