Theo dõi sát hoạt động của Nhà máy Nghi Sơn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí liên quan đến hoạt động của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, trước diễn biến tình hình giá, nguồn cung xăng dầu thế giới, trong nước còn tiềm ẩn nhiều yếu tố biến động khó lường, trong đó có vấn đề hoạt động của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn) thiếu ổn định, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong Quý II/2023 và các tháng tiếp theo của năm 2023, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp:
Thứ nhất, chỉ đạo theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Thứ hai, theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới với tình hình sản xuất trong nước, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương đã và tiếp tục quyết liệt bám sát và theo dõi hoạt động của Nhà máy, đồng thời làm tốt nhất để đảm bảo nguồn cung xăng dầu |
Thứ ba, chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 đã được phân giao (số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho người tiêu dùng, các khách hàng sử dụng xăng dầu; chủ động nguồn hàng (từ nguồn trong nước và nhập khẩu) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
"Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp", lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước thông tin.
Thứ tư, chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Thứ năm, doanh nghiệp có những cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu tại hợp đồng ký kết giữa các bên để đảm bảo các thương nhân sản xuất xăng dầu thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cung cấp xăng dầu cho thương nhân đầu mối, kinh doanh xăng dầu theo đúng nội dung đã ký kết.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin liên tục, đầy đủ về nguồn cung xăng dầu, công tác điều hành thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương để đảm bảo tâm lý ổn định trong dư luận.
Cùng trả lời nội dung này, ông Trần Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ dầu khí và than, Bộ Công Thương cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng, dầu các loại. Riêng tháng 4 sản xuất được 670-680 ngàn tấn. Đến giữa tháng 5 nhà máy vẫn vận hành ổn định. Trong tháng 6 và cả Quý III, Quý IV theo kế hoạch, nhà máy đã triển khai toàn bộ công tác để đảm bảo kế hoạch vận hành đã đăng ký với Bộ Công Thương.
Về việc thu hút dòng tiền của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, ngày 19/4/2023, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi nhà máy, các bên góp vốn và EVN về tái cấu trúc nhà máy. Theo đó, việc tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc bộ máy và vận hành nhà máy an toàn ổn định là vấn đề nội tại của doanh nghiệp, thuộc trách nhiệm giải quyết của Nghi Sơn và các đơn vị góp vốn. Thẩm quyền của EVN là báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước - cơ quan đại diện về vốn để xem xét chỉ đạo.
“Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn được quyền chủ động, tích cực phối hợp giải quyết các khó khăn vướng mắc đảm bảm nhà máy hoạt động hiệu quả, sản lượng cung ứng đã đăng ký với Bộ Công Thương”, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thông tin thêm tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn là liên doanh của EVN, Cô - Oét và Nhật Bản. Phía Việt Nam tức là EVN chỉ chiếm 25,1% vốn góp, theo luật tiếng nói chỉ có mức độ.
Thứ trưởng nhấn mạnh, phải xác định, vấn đề cần giải quyết trước hết là vấn đề nội tại của nhà máy, Chính phủ và các Bộ ngành chỉ có thể tham gia theo đúng các quy định và theo thoả thuận mà các bên cam kết. Đồng thời trong quá trình hoạt động, nhà máy ít nhất có 35-40 ngày bảo trì, bảo dưỡng, chưa kể các trục trặc về kỹ thuật việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước cũng là vấn đề khó.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Bộ Công Thương đã và tiếp tục quyết liệt bám sát và theo dõi hoạt động của nhà máy, đồng thời làm tốt nhất đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong tình huống khó khăn hiện nay”.