Thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững
Nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới. Ảnh: Biểu đồ khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2023 - Nguồn: Tổng cục Thống kê
Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết nhiều điểm nghẽn, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh phục hồi du lịch theo Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ; góp phần tăng trưởng kinh tế, từng bước khẳng định vị thế của một ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy đã đạt được một số kết quả tích cực, từng bước phục hồi sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, Du lịch Việt Nam còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác hoạch định chính sách và chiến lược dài hạn. Một trong những nguyên nhân là do công tác điều tra, thống kê du lịch còn bất cập, chưa có nguồn dữ liệu đầy đủ, chính xác, đồng bộ để xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phù hợp, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh du lịch của doanh nghiệp, người dân kịp thời, hiệu quả.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời nâng cao năng lực triển khai và tính hiệu quả của các chỉ tiêu thống kê du lịch, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương phổ biến và triển khai nền tảng số về "Quản trị và kinh doanh du lịch" theo Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ, hoàn thành trong Quý II năm 2024. Trên cơ sở nền tảng này, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thống kê du lịch; tổ chức kết nối, cập nhật đầy đủ, kịp thời, thông suốt dữ liệu từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tới cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an đẩy mạnh việc triển khai kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu về du lịch với dữ liệu quốc gia về dân cư, nhất là việc triển khai ứng dụng trên VNeID để việc thống kê và quản lý khách du lịch thuận lợi, đồng bộ, chính xác.
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai điều tra thông tin khách du lịch theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia; xây dựng và triển khai Kế hoạch áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), hoàn thành trong tháng 9 năm 2024.
Định kỳ triển khai các cuộc điều tra thống kê du lịch để có cơ sở biên soạn hệ thống dữ liệu, bảng biểu thống kê, bảo đảm phù hợp với Chương trình điều tra thống kê quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15 tháng 2 năm 2023 và chuẩn thống kê quốc tế.
Tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kinh nghiệm triển khai thống kê du lịch trên thế giới; nghiên cứu ứng dụng các phương thức kết nối, thu thập thông tin và cập nhật cơ sở dữ liệu nhằm hoàn thiện hệ thống các bảng biểu về Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp thống kê du lịch để thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là với Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và cơ quan thống kê của Liên hợp quốc (UNSD) để nâng cao nhận thức, kỹ năng và phương pháp thống kê du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý và người thực hiện nhiệm vụ thống kê du lịch ở trung ương và địa phương.
Bố trí kinh phí hằng năm cho công tác thống kê du lịch, triển khai áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam cho giai đoạn mới. Biên soạn tài liệu và kịp thời hướng dẫn các địa phương triển khai công tác điều tra, thống kê du lịch phù hợp với Khuyến nghị về khung phương pháp thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống..., bảo đảm thống kê, tính toán chính xác thu nhập từ hoạt động du lịch; chia sẻ dữ liệu chuyên ngành để triển khai hiệu quả và toàn diện phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam.
Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, bố trí kinh phí để triển khai các cuộc điều tra thống kê du lịch, các kế hoạch, nhiệm vụ về áp dụng phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan rà soát, thống nhất hoàn thiện ngay các chỉ tiêu, phương pháp thống kê du lịch bảo đảm đầy đủ, khoa học, kịp thời, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế, hoàn thành trong tháng 6 năm 2024; đẩy nhanh việc áp dụng phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch trong năm 2024.
Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ dữ liệu chuyên ngành để triển khai hiệu quả và toàn diện phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về văn hóa, thể thao và du lịch và các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về chế độ báo cáo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; phối hợp triển khai có hiệu quả việc áp dụng phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch trên địa bàn, kịp thời báo cáo những vướng mắc, khó khăn khi triển khai áp dụng.
Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao vào Du lịch triển khai nền tảng số về "Quản trị và kinh doanh du lịch" trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện công tác báo cáo thống kê trực tuyến định kỳ và đột xuất trên phần mềm báo cáo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao vào Du lịch (tại địa chỉ http://thongke.tourism.vn).
Tăng cường công tác quản lý nhà nước toàn diện về du lịch trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch; kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch và báo cáo thống kê du lịch.
Chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả việc thu hóa đơn điện tử các hoạt động kinh tế trong đó có du lịch, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống, xăng dầu...; sử dụng các biện pháp hành chính theo quy định, nhất là thu hồi giấy phép nếu không chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành.
Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện Công điện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cùng chuyên mục
Tin khác

Thị trường trong nước tiếp tục là bệ đỡ quan trọng giúp duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định sản xuất

Bảo đảm bộ máy nhà nước đi vào hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp

Phá đường dây mua bán thông tin ngân hàng, rửa tiền nghìn tỷ cho người nước ngoài

Đắk Lắk: Bắt 2 vụ sản xuất, buôn bán cà phê bột giả

Đến ngày 30/6, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng

Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV

Thông qua 2 Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ

Sáng nay (19/2): Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội
Đọc nhiều / Mới nhận

Nhận diện các loại ma tuý mới, ma tuý núp bóng bánh kẹo, thực phẩm chức năng

Cảnh báo khẩn cấp tình trạng giả mạo khách sạn, homestay lừa chiếm đoạt tiền đặt phòng nghỉ

Bắc Kạn phát hiện, thu giữ hơn 2,4 tấn xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo trước Quốc hội 10 cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Thông tin về vụ việc xảy ra cháy tại Trạm biến áp 500kV Long Thành (Đồng Nai)

Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025
