Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên
Sáng 22/8, đại diện Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam bàn giao cho đại diện Bộ Công Thương Báo cáo Chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho 10 ngành và lĩnh vực ưu tiên. Đây là một phần trong chương trình hỗ trợ thực hiện Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn đến năm 2030.
Báo cáo Chiến lược xuất khẩu hàng hóa tập trung vào các ngành và lĩnh vực ưu tiên do Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) thực hiện, trong khuôn khổ Dự án Chính sách thương mại và Xúc tiến xuất khẩu (Dự án SwissTrade) do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và Bộ Công Thương là cơ quan chủ Dự án.
Đại diện Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam bàn giao cho đại diện Bộ Công Thương Báo cáo Chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho 10 ngành và lĩnh vực ưu tiên |
Các Báo cáo được chia sẻ cho Bộ Công Thương và đã được Bộ tham khảo trong quá trình xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Chương trình hành động thực hiện Chiến lược; Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.
Tại Lễ Bàn giao, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công Thương đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sỹ dành cho Việt Nam thông qua Dự án SwissTrade.
Ông Bùi Huy Sơn nhấn mạnh, những báo cáo và sản phẩm do Trung tâm Thương mại quốc tế - ITC xây dựng đã phản ánh bức tranh chung về phát triển xuất khẩu của Việt Nam trong 10 năm qua, những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân; đồng thời đã đưa ra những gợi ý về định hướng và giải pháp phát triển xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu.
Các hoạt động của Dự án không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các báo cáo chiến lược mà sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Công Thương trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược và Kế hoạch Hành động thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ về công tác quản lý, tổ chức triển khai, giám sát và đánh giá Chiến lược cũng như Kế hoạch.
Ông Werner Gruber, Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam cho biết, Thụy Sỹ thông qua Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) luôn tích cực hỗ trợ Việt Nam trên con đường hội nhập và tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế.
“Thông qua quan hệ hợp tác chiến lược với Tổ chức Thương mại Quốc tế (ITC), chúng tôi không chỉ hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu tổng thể nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường toàn cầu hiệu quả mà còn giúp định hình các chiến lược ngành, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong ngành công nghiệp quan trọng ở Việt Nam. Sự hợp tác này thể hiện cam kết của Thụy Sỹ trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững và bao trùm” - Ông Werner Gruber chia sẻ.
Ông Bùi Huy Sơn phát biểu tại lễ bàn giao |
Cũng tại Lễ Bàn giao, ITC đã trình bày các báo cáo chiến lược này nhằm góp phần triển khai Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn đến năm 2030 và Kế hoạch hành động liên quan. Cụ thể, ITC đã xây dựng báo cáo chiến lược đối với 5 ngành ưu tiên được lựa chọn: điện tử; hàng hóa môi trường; gỗ và đồ nội thất; nông nghiệp; và dệt may. Báo cáo chiến lược riêng cho từng ngành được xây dựng dựa trên tiềm năng xuất khẩu và đóng góp đối với việc làm và phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, ITC cũng tập trung xây dựng chiến lược riêng cho 5 lĩnh vực cạnh tranh thương mại: chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chất lượng; tiêu chuẩn và chứng nhận; tính bền vững và bao trùm; và tạo thuận lợi thương mại. Đây là những lĩnh vực đóng góp quan trọng cho việc phát triển chuỗi giá trị và xuất khẩu, và kết luận của báo cáo cũng phù hợp với bức tranh lớn của nền kinh tế.