Thưởng ngoạn ngôi chùa 2.000 năm tuổi mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024
Với tuổi đời gần 2.000 năm, chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) có lịch sử lâu đời, xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, lưu giữ nhục thân của hai vị thiền sư tu hành đắc đạo và nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa cao.
Tương truyền, vào đời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII), chùa Đậu được mệnh danh là đệ nhất danh lam đất kinh kỳ. Theo cuốn sách được lưu trữ tại đây, chùa Đậu Hà Nội đã tồn tại gần 2.000 năm, từ thời Sĩ Nhiếp thế kỷ thứ 3. Trải qua thời gian, chùa Đậu đã nhiều lần được sửa chữa, tôn tạo.
Nơi đây gắn liền với quá trình Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Từ năm 1964, chùa đã được xếp hạng là Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A.
Ảnh minh hoạ |
Chùa Đậu Thường Tín nằm trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp nên ngoài thờ Phật thì còn thờ những vị thần tự nhiên là Pháp Vân (thần mây), Pháp Vũ (thần mưa), Pháp Lôi (thần sấm), Pháp Điện (thần chớp).
Theo sử sách ghi lại, từ khi mới lập chùa đã nổi tiếng rất linh thiêng. Trước kia, chùa là nơi chốn dành cho các bậc vua, quan và bậc trí sĩ tới vãn cảnh, lễ bái, cầu an hay cầu mùa màng tươi tốt, nhiều hoa, nhiều lộc, quả trĩu cành. Ngày nay, chùa là nơi để Phật tử tứ phương và nhân dân tới cầu bình an, thành công trong sự nghiệp, học tập…
Chùa Đậu nằm trên khoảng đất rộng hơn 1ha, xung quanh đều là những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát. Kiến trúc của chùa xây dựng theo cấu trúc hệ thống tứ pháp của nhà Phật, tuân theo phong cách “nội công, ngoại quốc”, “tiền Phật, hậu thánh”.
Ngoài ra, chùa Đậu Thường Tín vẫn đang lưu giữ hệ thống di vật và các cấu kiện kiến trúc có giá trị cao, lâu đời như hệ thống bia cổ, gạch thời Mạc trang trí hình rồng, nét chạm khắc hình thú, họa tiết hoa lá, cá hóa long…
Đặc biệt, đôi rồng đá ở bậc thềm khu vực nhà tiền đường và cuốn sách quý bằng đồng là những hiện vật có giá trị cao đang được lưu giữ tại chùa Đậu. Đôi rồng đá có niên đại lâu đời, được dựng từ thời Trần và hiện đã được bảo tàng Lịch sử quốc gia “sao lại” một bản để phục vụ trưng bày. Cuốn sách bằng đồng có niên đại từ thời Sĩ Nhiếp – đầu thế kỷ thứ 3 (năm 200 – 210), cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho quá trình nghiên cứu lịch sử.
Cùng với đó, cứ mỗi tháng Giêng hàng năm, chùa Đậu sẽ tổ chức lễ hội truyền thống trong 3 ngày, từ mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng với quy mô lớn, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tứ phương tới tham dự.
Thưởng ngoạn ngôi chùa cổ kính 2.000 năm tuổi
Từ lâu, chùa Đậu đã được mệnh danh “Đệ nhất danh lam”, nổi tiếng vì bề dày lịch sử - văn hóa, vì những giá trị kiến trúc, mỹ thuật, hấp dẫn du khách bởi những bí ẩn còn hàm chứa.
Chùa Đậu hiện nay còn lưu giữ được nhiều giá trị di sản về lịch sử, văn hóa. Chùa Đậu có một quần thể kiến trúc độc đáo, với nhiều hạng mục công trình khác nhau.
Hiện nay, ngôi chùa còn lưu giữ một số hạng mục có giá trị văn hóa như: Cột đồng trụ, gác chuông cổ kính hai tầng tám mái, những bức phù điêu được trạm khắc tinh vi hình con giống, cỏ cây hoa lá, nhà tả mạc và hữu mạc.
Khu nội tự gồm có tiền đường nối liền hai dãy hành lang khép kín đến khu nhà Tổ - tạo thành một hình vuông vững chãi tạo thành chữ Quốc. Khu chính điện thờ Tam bảo, hậu điện thờ Bồ Tát Pháp vũ, theo kiến trúc kiểu chữ Công.
Trong chùa còn lưu giữ hai pho tượng cổ quý hiếm có niên đại khoảng 300 năm, toàn thân xá lợi của thiền sư Vũ Khắc Minh và thiền sư Vũ Khắc Trường. Năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Hằng năm, lễ hội truyền thống chùa Đậu diễn ra trong 3 ngày từ mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng. Đây là dịp để nhân dân địa phương và du khách thập phương về chiêm bái, lễ phật, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.
Nổi bật trong lễ hội chùa Đậu là nghi lễ rước kiệu từ các thôn trong ngày mùng 9 tháng Giêng. Thanh niên của các thôn sẽ rước kiệu vào trong sân chùa rồi xoay tròn, xô đẩy trước khi vào chính điện. Kiệu của thôn nào xoay càng mạnh thì càng gặp nhiều may mắn, sung túc trong năm. Đồng thời, có các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc khác như biểu diễn võ, tổ chức trò chơi dân gian…
Không chỉ là một điểm du lịch tâm linh, chùa Đậu Thường Tín còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc truyền thống của dân tộc tự ngàn đời…