Tìm hiểu về lễ thức không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, tâm linh của người Cơ Ho
Hạt lúa với người Cơ Ho đóng vai trò quan trọng, cho nên trong chu kỳ sản xuất họ thường làm các nghi lễ tế thần như lễ gieo trồng- nghi lễ mở đầu cho chu kỳ canh tác; rồi lễ rửa chân trâu, lễ uống kiêng cữ hay lễ cúng dưỡng lúa, lễ mừng lúa trổ bông, lễ mang lúa về kho và lễ hội lớn nhô lir bong (uống mừng lúa mới) trong từng gia đình, dòng họ.
Theo già làng K’Tiếu ở xã Ðinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Ðồng, nghi lễ dựng cây nêu thường được thực hiện ở các lễ hội lớn, như cúng dưỡng lúa, mừng lúa mới, uống ăn trâu, lập làng mới, lễ cầu mưa... Tùy theo dân tộc và lễ hội, cây nêu được làm lớn nhỏ, trang trí khác nhau. Ðây là lễ thức không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, tâm linh của người Cơ Ho, nhằm khấn cầu và tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ cho cây lúa phát triển tốt, mùa màng bội thu, gia đình, cộng đồng được ấm no và bình an.
Thông thường, những lễ hội lớn, thời gian khai lễ diễn ra trước lúc mặt trời lặn, cho nên khi mọi công việc chuẩn bị được hoàn tất, gia đình, dòng họ dựng cây nêu và sau đó buộc con vật hiến sinh vào cây nêu; đồng thời thực hiện nghi thức cúng Yàng với các lễ vật như: Rượu cần, con gà trống, chén cơm, trứng gà, trầm hương... để thông báo, xin Yàng cho gia đình, dòng họ, hoặc buôn làng được tổ chức lễ hội. Sau đó, chủ lễ khấn mời các vị thần linh đến dự.
Cây nêu của người Cơ Ho thường được dựng đứng cao vút trước ngôi nhà sàn dài truyền thống, hay nhà sinh hoạt chung của buôn làng |
Cây nêu của người Cơ Ho thường được dựng đứng cao vút trước ngôi nhà sàn dài truyền thống, hay nhà sinh hoạt chung của buôn làng, tùy theo lễ hội. Ðây là nơi các vị thần linh về dự, chứng kiến lễ hội. Cây nêu chính là trung tâm của lễ hội, biểu tượng của sự sống, linh hồn và ngưỡng vọng hướng tới đời sống bình yên giữa không gian bao la. Ông Brừm, người con đồng bào dân tộc Cơ Ho cho biết: "Nghi lễ dựng cây nêu được tiến hành dưới sự chứng kiến của buôn làng. Phần lễ kết thúc, tiếng chiêng, tiếng trống được tấu lên rộn rã để báo tin trong buôn có lễ hội vui".
Con vật hiến sinh được buộc tại cây nêu đến sáng hôm sau, đó là thời gian chính thức diễn ra lễ hội. Trong đêm cây nêu được dựng lên thật sự là đêm "không ngủ" với người già, người trẻ trong buôn, không khí lễ hội lan tỏa khắp vùng.
Tiếng chiêng, tiếng trống trầm bổng lan xa lên tận đỉnh núi; tiếng kèn mbuốt, rơkel huyền hoặc; cùng những điệu tam pla, đơs long thổn thức. Vòng xoang thêm rộng trong ánh lửa bập bùng, những ché rượu cần được khui mừng hội lớn. Sáng sớm, con vật hiến sinh được cúng tế Yàng, các nghi thức cúng Yàng tiếp tục được thực hiện; thịt vật hiến sinh được dâng lên Yàng, sau đó được chế biến thành các món ăn truyền thống để đãi khách. "Ðêm hội không phân biệt khách mời, người lạ, tất cả đều cộng cảm, hòa chung niềm vui của buôn làng", ông Brừm cho biết.
Lễ hội kết thúc, bảy ngày sau, gia đình, dòng họ tổ chức lễ hội đến mời những người có vai vế trong buôn làng đến dự để cùng thực hiện nghi lễ tháo dỡ cây nêu. Nghi lễ này cũng có những vật cúng tế, nhưng được thực hiện đơn giản, để xin phép Yàng được dỡ cây nêu.
Ngày nay, cùng với sự phát triển, hình thái kinh tế-xã hội thay đổi, phương thức sản xuất gắn với những tập tục xưa của đồng bào Cơ Ho đang dần mai một và nghi thức tổ chức lễ hội còn ít buôn làng tổ chức bài bản như xưa. Tuy nhiên, những nghi lễ truyền thống luôn được người Cơ Ho tôn trọng và trao truyền.