65 năm lực lượng Quản lý thị trường
Ra đời theo Nghị định số 290/TTg ngày 03/7/1957 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Quản lý thị trường trung ương và các Ban Quản lý thị trường ở các tỉnh, thành phố, khu tự trị trong cả nước, lực lượng Quản lý thị trường đã có 65 năm xây dựng và phát triển.
Theo từng thời kỳ phát triển của đất nước và sự phát triển của nền kinh tế, Quản lý thị trường có cơ cấu tổ chức phù hợp với nhiệm vụ và dần dần được tổ chức thành một lực lượng chuyên trách. Tháng 7/1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 190/CT thành lập Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) để hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện công tác Quản lý thị trường. Tiếp theo Hội đồng Bộ trưởng có Nghị quyết số 249/HĐBT ngày 02/10/1985 tổ chức lực lượng chuyên trách kiểm tra, kiểm soát thị trường, theo đó thành lập Đội Quản lý thị trường trực thuộc Ban chỉ đạo Quản lý thị trường cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và cấp huyện, thị xã. Đây là mốc đánh dấu hệ thống tổ chức Quản lý thị trường bước đầu được xây dựng thành lực lượng chuyên trách kiểm tra, kiểm soát thị trường trên khắp các địa bàn trong cả nước.
Tới năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/CP quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Quản lý thị trường, theo đó xác định: Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách được tổ chức từ Trung ương đến huyện; ở Trung ương có Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) và các Đội Quản lý thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An |
Từ cuối 2018, Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương chính thức ra đời và hoạt động sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục.
Sau gần 4 năm hoạt động theo mô hình mới, lực lượng Quản lý thị trường đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong những ngày đầu tiếp nhận nhân sự và cơ sở vật chất từ các địa phương, nhanh chóng sắp xếp lại, ổn định, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự cơ quan Tổng cục và Cục quản lý thị trường các địa phương. Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục phát huy vai trò chủ công, là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý thị trường, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng đấu tranh có hiệu quả với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần quan trọng vào giữ ổn định thị trường, phát triển sản xuất trên các địa bàn, được các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá cao. Trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước phát hiện và xử lý 41.375 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng. Theo báo cáo nhanh, 5 tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý trên 16.706 vụ vi phạm; thu nộp NSNN trên 98 tỷ đồng.
Bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn, Tổng cục đã bước đầu đặt nền móng cho việc xây dựng lực lượng chính qui, hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả bằng việc giảm mạnh số đội quản lý thị trường cấp huyện (từ 681 đội nay còn 376 đội, giảm 45 %), xây dựng Đề án Cục quản lý thị trường liên tỉnh, xây dựng Chiến lược phát triển lực lượng quản lý thị trường giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thiện các Qui chế, qui định, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào quản lý và thực thi công vụ và lập kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị cho toàn lực lượng.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An phát biểu trong cuộc họp tại trụ sở Tổng cục QLTT |
Đạt được những kết quả tích cực đó là nhờ có sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương, sự phối hợp tích cực và hiệu quả của các Bộ, ngành ở trung ương, cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trên cả nước. Đặc biệt, Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã luôn quan tâm, chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với lực lượng quản lý thị trường trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, có sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ công chức, người lao động trong toàn lực lượng Quản lý thị trường.
Năm 2022 này và các năm tiếp theo, dự báo tình hình kinh tế xã hội trong nước có nhiều chuyển biến tích cực sau đại dịch Covid-19, nhưng đồng thời cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với thế giới sẽ vừa là động lực, nhưng cũng vừa là thách thức đối với sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước. Hoạt động buôn lậu, sản xuất - buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi kinh doanh trái pháp luật tiếp tục có diễn biến khó lường; phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, có sự cấu kết của “đầu nậu” giữa các tỉnh, thành phố và cấu kết giữa tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Những phương thức bán hàng mới qua thương mại điện tử, mạng xã hội đang phát triển rất nhanh sẽ làm cho công tác quản lý thị trường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong phát hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, những mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự cám dỗ không lành mạnh của môi trường làm việc là những yếu tố tác động mạnh đến hành vi của cán bộ, công chức, người lao động, có thể ảnh hưởng đến kết quả xử lý công vụ, thậm chí có thể dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức.
Đứng trước tình hình mới, Tổng cục quản lý thị trường phải có những giải pháp đổi mới toàn diện để xây dựng lực lượng quản lý thị trường mạnh về chuyên môn và khả năng thực thi nhiệm vụ, trong sáng về đạo đức, hoạt động chuyên nghiệp nhằm triển khai hiệu quả công tác quản lý thị trường, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội của các địa phương.
Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống (3/7/1957 - 3/7/2022), Bộ Công Thương bày tỏ sự tin tưởng lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện, xây dựng lực lượng đủ năng lực nghiệp vụ, phẩm chất tốt, hoạt động hiệu quả, trở thành chỗ dựa vững chắc cho chính quyền, doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An