Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số học tập truyền thống tại Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Cục trưởng Cục TMĐT và KTS Lê Hoàng Oanh (hàng đầu, ngoài cùng, bên trái) cùng Lãnh đạo tỉnh Điện Biên dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Điện Biên
Đến với Điện Biên những ngày này, các công chức, viên chức Cục TMĐT và KTS không khỏi bồi hồi, xúc động khi lắng nghe những câu chuyện vừa hào hùng vừa bi tráng về lịch sử. Mảnh đất Điện Biên gắn liền với những trận đánh lịch sử, với tên tuổi của các vị anh hùng và hàng ngàn liệt sỹ vô danh đã tạo thành khúc tráng ca bất tử về một Việt Nam kiên cường, thông minh và giàu lòng nhân ái.
Các công chức, viên chức Cục TMĐT và KTS nghe giới thiệu về Đồi A1
Điểm tham quan đầu tiên của Đoàn là Đồi A1. Đứng trên độ cao và hướng tầm mắt bao quát thành phố, chúng ta cảm nhận rõ hơn vị trí đặt biệt của địa danh lịch sử này. Điều đó lý giải vì sao Đồi A1 được coi là bức tường vững chắc che chở cho phân khu trung tâm, là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Các công chức, viên chức Cục TMĐT và KTS chụp ảnh lưu niệm tại Đồi A1
Để làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1 vào 4h sáng ngày 7/5/1954, hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh. Quân ta nhờ đó mở toang “cánh cửa thép” để tiến thẳng vào trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cùng với các địa điểm như Lô cốt "cây đa cụt", Đài tưởng niệm, Hố Bộc phá… “Mộ tập thể các liệt sĩ vô danh hi sinh tại cứ điểm A1” có ý nghĩa lịch sử to lớn, giúp chúng ta hiểu được phần nào sự vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sỹ để có được độc lập, tự do ngày hôm nay.
Các công chức, viên chức Cục TMĐT và KTS tham quan tại Bảo tàng
Tại không gian Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, các công chức, viên chức Cục TMĐT và KTS háo hức khi được tìm hiểu hàng trăm hiện vật, tranh, ảnh tư liệu gắn liền với quá trình tổ chức chiến dịch vô cùng gian khổ và hào hùng. Đó là những mô hình tái hiện hình ảnh những chiến sỹ Điện Biên “khoét núi, ngủ hầm”, là những dân công bên chiếc xe thồ tự chế chở nặng hàng trăm kilogam hàng hoá tới Điện Biên, hình ảnh tham gia chiến dịch của đồng bào các dân tộc thiểu số, khí thế tiến công như vũ bão của quân và dân ta trên các cứ điểm...
Một số tư liệu, hình ảnh, hiện vật tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ
Một trong những tư liệu tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ để lại ấn tượng sâu sắc với các công chức, viên chức Cục TMĐT và KTS là tấm panorama chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là bức tranh tròn lớn nhất Đông Nam Á, tái hiện toàn bộ quá trình “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta để có được “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Các công chức, viên chức Cục TMĐT và KTS chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ
Điện Biên tuy còn xa xôi về địa lý nhưng luôn là điểm đến thân thuộc, gần gũi trong tâm trí mỗi người con Việt Nam, đặc biệt trong những ngày tháng 5 lịch sử. Gần ba phần tư thế kỷ qua đi, nhưng những ngày này, hàng triệu trái tim người Việt hướng về Điện Biên với niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc.
Dù sinh sống và làm việc ở nơi đâu, người dân đất Việt cũng luôn hướng về Điện Biên - “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước trường tồn với thời gian. Những cảm xúc đó sẽ là động lực để mỗi công chức, viên chức Cục TMĐT và KTS nói riêng, thế hệ trẻ ngành Công Thương nói chung phát huy sức mạnh truyền thống, nỗ lực học hỏi, không ngừng phấn đấu để đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước.
Lãnh đạo Cục TMĐT và KTS chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Điện Biên tại Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc
Trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 20/4/2024, Cục TMĐT và KTS phối hợp với Sở Công Thương Điện Biên tổ chức “Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc”. Hội nghị được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số tại Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc, phát huy truyền thống hào hùng tại mảnh đất giàu truyền thống lịch sử; Đẩy mạnh kết nối nội vùng và ngoại vùng trong phát triển thương mại điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế - xã hội phát triển bền vững.