“Dân ta phải biết sử ta”
Khuyến cáo người dân chỉ cài đặt các ứng dụng chính thức trên Appstore và CH Play Bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân của người dân trên không gian mạng |
Cái mới sẽ được ươm mầm trên mảnh đất quá khứ
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, vị Cha già kính yêu, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Vì vậy, từ nhiều năm trước, phong trào học tập và làm theo tấm gương của Bác được nhân rộng, phổ biến tới tất cả các đảng viên, trở thành chuẩn mực để mỗi người tu dưỡng, rèn luyện, và cống hiến, phụng sự đất nước. Do đó, học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu hiện rõ nét nhất để bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Trong tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử nước ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu thơ nhẹ nhàng như lời nhắn nhủ của vị Cha già dân tộc với con cháu đời sau về giá trị của lịch sử nước nhà. Lời dạy mộc mạc của Bác đã trở thành chân lý của mọi thời đại, đúng với tất cả các quốc gia, dân tộc. Sử và Nước là một, Sử còn thì Nước còn. Trân quý những giá trị lịch sử sẽ giúp chúng ta phát huy được sức mạnh truyền thống để xây dựng đất nước ngày càng hưng thịnh, phát triển bền vững.
Quá khứ, hiện tại và tương lai là một dòng chảy liên tục, cái mới sẽ được ươm mầm trên mảnh đất quá khứ. Vì vậy, chỉ khi nào có thái độ đúng đắn với quá khứ, chúng ta mới có thể làm chủ hiện tại và kiến tạo tương lai một cách tốt đẹp. Theo đó, trân quý giá trị lịch sử là cách để bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng và cũng là kim chỉ nam để thế hệ trẻ vừa kế thừa truyền thống vừa phát huy tinh thần sáng tạo, xây dựng thời đại mới.
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước; là hàng ngàn năm xây dựng và gìn giữ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; là đoàn kết, yêu thương, cần cù lao động, đổi mới, sáng tạo và mang đậm tư tưởng nhân văn tiến bộ...
Hòa trong dòng chảy lịch sử đó, ngành Công Thương Việt Nam với truyền thống 73 năm hình thành và phát triển (14/5/1951-14/5/2024) tự hào luôn gắn liền và có những đóng góp to lớn cho lịch sử nước nhà.
Học truyền thống để nuôi dưỡng niềm tự hào
Nhằm nâng cao nhận thức của các đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về sức mạnh của những giá trị truyền thống, lịch sử, những năm qua, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương xác định công tác tư tưởng chính trị có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng.
Vì vậy, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương luôn quan tâm chỉ đạo, thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn; tri ân các đối tượng có công với cách mạng, tri ân các thế hệ tiền nhiệm; Đẩy mạnh và phát huy phong trào học tập truyền thống, học tập phong cách đạo đức Hồ Chí Minh…
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương phối hợp với Đoàn Thanh niên 5 Bộ tổ chức Lễ ra quân Tháng Thanh niên năm 2024, thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát động Tết trồng cây và đưa đoàn viên đến các địa điểm lịch sử, văn hoá |
Sự chỉ đạo xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã được các cấp uỷ, Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc triển khai, thực hiện, có sự nhất quán, đồng bộ trong toàn cơ quan, đơn vị; góp phần giúp Bộ, ngành Công Thương hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và Nhân dân tin tưởng giao phó.
Học tập truyền thống ngành Công Thương có thể qua nhiều hình thức khác nhau nhưng học qua những tư liệu tại Phòng Truyền thống, Bộ sách Lịch sử ngành Công Thương Việt Nam 1945 - 2010 và Biên niên sử Công Thương Việt Nam 2011 – 2020 được xem là một trong những cách tiếp cận trực quan, toàn diện nhất. Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương hi vọng, các cán bộ, công chức, viên chức có thể nhanh chóng, thuận lợi tìm hiểu về lịch sử Ngành ngay tại trụ sở làm việc của Bộ.
Với hàng trăm tư liệu, hiện vật, Phòng Truyền thống ngành Công Thương đã kể lại câu chuyện về lịch sử phát triển của Ngành một cách sống động. Đây cũng được chọn là nơi diễn ra nhiều cuộc họp, gặp mặt, trao đổi của Lãnh đạo Bộ với các tổ chức, đối tác nước ngoài, thể hiện niềm tự hào to lớn của Bộ Công Thương Việt Nam với bạn bè quốc tế. Mỗi tư liệu, hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện lịch sử, với nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, có sức lan toả, cộng hưởng mạnh mẽ, giúp đông đảo thế hệ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương thêm tự hào với truyền thống của Ngành, tự hào vì là một phần của Công Thương để hôm nay viết tiếp trang sử mới.
Cùng với Phòng Truyền thống, Bộ sách Lịch sử ngành Công Thương Việt Nam 1945 - 2010 và Biên niên sử Công Thương Việt Nam 2011- 2020 là tư liệu quý giúp các thế hệ công chức, viên chức ngành Công Thương nhìn lại chặng đường 73 năm xây dựng và phát triển của Ngành. Trong từng giai đoạn lịch sử, có lúc Bộ Công Thương bị chia tách rồi sáp nhập với các tên gọi khác nhau, chức năng, nhiệm vụ có thể thay đổi tùy từng giai đoạn... nhưng ngành Công Thương vẫn luôn giữ vững vai trò tiên phong trong xây dựng và phát triển đất nước; kịp thời tham mưu với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt của lịch sử đất nước.
Học tập từ truyền thống sẽ giúp chúng ta trân quý các giá trị lịch sử; từ đó, nuôi dưỡng niềm tự hào, yêu Ngành, yêu nghề và khát vọng vươn lên, cùng toàn Ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.