8 tháng, CPI cả nước tăng 4,04%
Tính chung tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng Tám tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%.
Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,71%.
So với tháng trước, chỉ số CPI chung cả nước tháng 8/2024 ổn định (khu vực thành thị tăng 0,02%; khu vực nông thôn giảm 0,03%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, giá 10 nhóm hàng tăng nhẹ, riêng nhóm giao thông giảm giá so với tháng trước.
![]() |
Chỉ ra diễn biến CPI 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, Tổng cục Thống kê cho biết, so với cùng kỳ năm trước, ngược với năm 2023, CPI năm tháng đầu năm 2024 có xu hướng tăng cao dần, từ mức 3,37% của tháng Một lên mức cao nhất 4,44% vào tháng Năm.
Sang tháng Sáu và tháng Bảy, mức tăng CPI có xu hướng giảm nhẹ xuống còn 4,34% và 4,36% mặc dù trên nền hai tháng có mức tăng thấp nhất của năm 2023. Tháng Tám, mức tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm, chỉ tăng 3,45% so với tháng 8/2023.
Tính chung 8 tháng năm nay, CPI tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá khi giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết cùng với giá thịt lợn tăng; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng; trong năm học 2023-2024 và 2024-2025, một số địa phương đã tăng mức học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế và bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, các yếu tố làm tăng CPI 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 8 tháng năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm.
Nhóm thực phẩm tăng 2,2%, làm CPI chung tăng 0,47 điểm phần trăm; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 4,06%, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng.
Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,03 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,71%, tác động làm CPI tăng 0,49 điểm phần trăm.
![]() |
Chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 8,41% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023 làm CPI chung tăng 0,28 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt bình quân 8 tháng tăng 9,89% so với cùng kỳ năm trước…
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra các yếu tố làm giảm CPI trong 8 tháng năm 2024 đó là: chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông 8 tháng năm 2024 giảm 1,28% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.
Trong tháng 8, chỉ số giá vàng tăng 1,93%. Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 27/8/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.495,53 USD/ounce, tăng 3,63% so với tháng 7/2024. Giá vàng thế giới tăng khi các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất vào tháng Chín, cùng với đó xung đột địa chính trị trên thế giới và nhu cầu từ các Ngân hàng Trung ương đã đẩy hoạt động mua vàng như một nơi trú ẩn an toàn.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 8/2024 tăng 1,93% so với tháng trước; tăng 20,4% so với tháng 12/2023; tăng 31,05% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 8 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 25,54%.
Chỉ số giá USD giảm 0,64%. Tính đến ngày 27/8/2024, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 102,38 điểm, giảm 1,97% so với tháng trước. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.329 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 8/2024 giảm 0,64% so với tháng trước; tăng 3,55% so với tháng 12/2023; tăng 5,86% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 8 tháng năm 2024 tăng 5,85%.
Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 8/2024 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Cùng chuyên mục
Tin khác

Giá xăng giảm khoảng 200 đồng/lít

Giá xăng dầu tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành ngày 20/2/2025

Giá xăng đồng loạt tăng sau 3 kỳ giảm liên tiếp

Biến động của giá hàng hóa thị trường sau chính sách thuế của Mỹ

Giá dầu lao dốc tuần thứ ba liên tiếp

Giá xăng tăng, giảm trái chiều

Giá xăng, dầu đồng loạt giảm

Không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá dịp Tết
Đọc nhiều / Mới nhận

Nhận diện các loại ma tuý mới, ma tuý núp bóng bánh kẹo, thực phẩm chức năng

Cảnh báo khẩn cấp tình trạng giả mạo khách sạn, homestay lừa chiếm đoạt tiền đặt phòng nghỉ

Bắc Kạn phát hiện, thu giữ hơn 2,4 tấn xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo trước Quốc hội 10 cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Thông tin về vụ việc xảy ra cháy tại Trạm biến áp 500kV Long Thành (Đồng Nai)

Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025
